Ngăn chặn tình trạng xả rác xuống các tuyến kênh, mương
Hiện nay, tình trạng xả rác thải bừa bãi xuống lòng kênh, mương, dòng sông tưới, tiêu xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) đang tích cực phối hợp với địa phương quản lý, giải tỏa vi phạm, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hiện nay, tình trạng xả rác thải bừa bãi xuống lòng kênh, mương, dòng sông tưới, tiêu xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) đang tích cực phối hợp với địa phương quản lý, giải tỏa vi phạm, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai.
Trong đợt tiêu nước do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão vào cuối tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản đã phải rất vất vả khi các cửa cống trên một số tuyến kênh tiêu: T3, T5, S21, S23, S33 sông Hùng Vương và sông Lác có lượng lớn các loại rác thải sinh hoạt và sản xuất gây ách tắc dòng chảy. Đây là trọng điểm thường xuyên có lượng lớn rác thải dồn về từ tuyến kênh tiêu chính. Mỗi lần vớt rác, Công ty đều phải huy động lượng lớn công nhân, thuê máy xúc có cần dài để múc rác từ sâu dưới lòng sông, lòng kênh. Khối lượng rác thải được vớt mỗi đợt lên đến hàng chục m3. Được biết, địa bàn của Công ty quản lý rộng, các tuyến kênh chạy qua nhiều khu dân cư, do vậy, lượng rác thải bị người dân vứt bỏ ra các tuyến kênh, dòng sông khá lớn. Với các tuyến kênh cấp 2, Công ty thực hiện giao khoán cho đội ngũ công nhân quản lý và giải tỏa bèo, rác thải, rong rêu thường xuyên. Tuy nhiên, với các tuyến kênh chính cấp 1 do chiều dài lớn, khó quản lý, nên mỗi đợt tưới, tiêu đều phải tổ chức xử lý lượng rác thải từ các tuyến dồn về các điểm gây ách tắc dòng chảy. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8-2021, Công ty đã tổ chức giải tỏa được tổng số 63.566m2 bèo, rác thải, rong rêu trên các tuyến sông, kênh mương, vượt 110% so với kế hoạch được giao. Đồng chí Trần Đăng Lạp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản cho biết: Mặc dù các địa phương vẫn tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, nhưng lượng rác sinh hoạt và sản xuất bị người dân xả ra lòng kênh mương, các tuyến sông vẫn rất lớn, làm ảnh hưởng đến năng lực tưới, tiêu và phục vụ đời sống dân sinh của hệ thống kênh mương do đơn vị quản lý.
Tại Trạm bơm Vĩnh Trị I (Ý Yên) khi mỗi lần vận hành phục vụ tiêu úng cho địa bàn, công nhân của trạm đều phải trực vớt rác tại khu vực lưới chắn trước bể hút. Đặc biệt trên các tuyến kênh tưới chính phục vụ huyện Ý Yên có chiều dài hơn 25km, rác thải thường xuyên dồn về khiến tổ quản lý kênh phải túc trực liên tục để vớt rác mới bảo đảm lưu thông dòng chảy cả ngày, đêm khi trạm bơm hoạt động. Tính từ đầu vụ xuân đến nay, lượng rác vớt tại trạm đã lên đến hơn 100m3. Ngoài việc vận chuyển ra bãi rác thải tập trung của địa phương, khi lượng rác quá nhiều không đưa đi kịp công nhân phải sử dụng dầu đốt để xử lý, tránh tràn trở lại xuống lòng kênh. Theo đại diện của Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Ý Yên cho biết: Nếu để rác thải gây ách tắc dòng chảy sẽ khiến lưu lượng nước chảy về các trạm bơm chậm không đảm bảo lượng nước cho việc vận hành hệ thống máy bơm tại trạm bơm. Do vậy, việc giải tỏa bèo rác, rong rêu và vớt rác thải đã trở thành một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng công nhân các tổ quản lý trong quá trình vận hành các tuyến kênh này.
Để hạn chế lượng rác thải vứt bỏ ra lòng kênh, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đã triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống lưới chắn rác tại đầu kênh dẫn bể hút trạm bơm, lưới chắn cao ngăn người dân vứt rác xuống kênh tại một số khu vực trọng điểm… Như tại tuyến kênh tưới thuộc hệ thống Trạm bơm Hữu Bị trên địa bàn các huyện được lắp lưới chắn rác phân rõ ranh giới giữa các xã. Qua đó, phân định và gắn kết trách nhiệm của chính quyền địa phương với tuyến kênh đi qua địa bàn quản lý, tránh tình trạng rác thải trôi từ địa bàn này sang địa bàn khác. Tuy nhiên, tình trạng rác thải bị vứt xuống lòng kênh vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào mỗi đợt tưới, tiêu, người dân lợi dụng dòng chảy vứt ra nhiều hơn. Thực tế tại một số địa phương, việc thu gom rác thải sinh hoạt không được thực hiện thường xuyên, liên tục; thậm chí có một số thôn, xóm không có người thu gom, xử lý rác thải nên người dân mạnh ai nấy làm, tiện đâu vứt đấy khiến tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng lớn và nhiều người vẫn vứt rác ra lòng kênh mương.
Lượng rác thải giải tỏa trên toàn bộ hệ thống kênh mương thuộc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà khá lớn, mỗi năm lên đến hàng nghìn m3. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đơn vị đã vớt hơn 1.000m3 rác thải trên lòng kênh. Một vấn đề khó cho doanh nghiệp là nhiều địa phương không đồng ý cho bỏ rác vào bãi tập kết trung chuyển của mình; điểm vớt rác nằm quá xa điểm tập kết, đơn vị phải thuê xe vận chuyển trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp. Cụ thể, tại khu vực cống Yên Trị, Trạm bơm Yên Bình, Quỹ Độ (Ý Yên), Trạm bơm Cốc Thành (Vụ Bản), Trạm bơm Hữu Bị, Cổ Đam… Mỗi đợt vớt được khối lượng rác khá lớn, ngoài thuê máy xúc, đơn vị phải thuê xe vận chuyển xử lý. Theo đồng chí Trần Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà, Công ty đã rất nỗ lực quản lý, gắn trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác kiểm tra, giải tỏa kênh mương. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chính quyền các địa phương phải tích cực, chủ động vào cuộc ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm vứt rác thải xuống lòng kênh, mương và các tuyến sông. Theo quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ công trình thủy lợi nêu rõ, chủ tịch UBND cấp xã quản lý môi trường, công trình thủy lợi trên địa bàn, có thẩm quyền xử phạt hành chính các vi phạm liên quan đến hệ thống kênh mương.
Để giảm thiểu tình trạng xả rác thải sinh hoạt và sản xuất ra lòng kênh, mương, dòng sông, rất cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ cấp ủy, chính quyền các địa phương đến người dân. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, công trình thủy lợi, không vứt rác thải xuống kênh mương, công trình thủy lợi như thời gian qua. Có như thế, hệ thống kênh mương mới được bảo đảm thông thoáng, nâng cao năng lực tưới, tiêu phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai tại các địa phương một cách hiệu quả./.
Bài và ảnh: Văn Đại