Ngăn chặn vấn nạn 'chạy' thành tích, 'chạy' khen thưởng
Cuối năm là thời điểm để các cơ quan, đơn vị tổng kết phong trào thi đua và vấn nạn 'chạy' thành tích, 'chạy' khen thưởng lại bùng phát.
Cách đây mấy năm, dư luận xôn xao khi biết thông tin về vụ “chạy danh hiệu thi đua” của Trịnh Xuân Thanh. Đứng đầu Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Trịnh Xuân Thanh để xảy ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng khiến doanh nghiệp này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Thế nhưng, Trịnh Xuân Thanh vẫn tìm mọi cách luồn lọt “chạy thành tích” để được ưu ái tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tặng Bằng khen của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Xây dựng… Còn PVC thì được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động! Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã hủy bỏ quyết định về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng đối với Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng bị thu hồi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã cố tình khai man thành tích trong kháng chiến, tranh công đồng đội khiến cấp trên đã trao nhầm danh hiệu cao quý của Nhà nước cho ông này.
Năm 2020 Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15 bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010-2015 vì đã có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm tài sản, trang thiết bị; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai của đơn vị. Điều đáng lưu ý là cũng vào quãng thời gian bị cách chức đó, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.
Năm ngoái, Chủ tịch nước cũng đã ký Quyết định số 715/QĐ-CTN về việc hủy bỏ Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty Cổ phần Việt Á sau khi phát hiện những sai phạm nghiêm trọng tại công ty này. Cũng liên quan đến vụ Việt Á, một số cán bộ quân đội thuộc Học viện Quân y sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Điều đáng nói là trong số những cán bộ sai phạm này, có những tập thể, cá nhân đã được vinh danh, báo cáo thành tích, được khen thưởng. Trong vụ đại án Việt Á, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra tình trạng “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng.
Kết luận điều tra vụ Việt Á nêu rõ: Ông Chu Ngọc Anh đã trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen Công ty Việt Á và chỉ đạo Thứ trưởng Trần Văn Tùng ký công văn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị giúp công ty được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Việc khen thưởng và đề nghị khen thưởng này của Bộ Khoa học và công nghệ là không đúng đối tượng, không đúng công trạng, thành tích.
Để xảy ra các vụ việc “chạy danh hiệu”, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng” nêu trên, ngoài trách nhiệm chính thuộc về các cá nhân sai phạm, nhưng cũng phần nào cho thấy sự nể nang, dễ dãi, thậm chí có biểu hiện tiêu cực của cơ quan chức năng như cơ quan thường trực Thi đua - Khen thưởng các cấp và các bộ phận, cá nhân làm tham mưu, thẩm định, kiến nghị hồ sơ khen thưởng lên cấp trên.
Thực tế mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo về các loại “chạy”, nào là “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp”, “chạy tội”, “chạy dự án”, “chạy tuổi”, “chạy luân chuyển”… Những loại "chạy" này đều gắn với mục đích quyền lực, lợi lộc, dễ mang lại cho những kẻ "chạy" được nhiều “món lời” kinh tế nếu việc chạy diễn ra… “thông đồng bén giọt”! Còn một thứ “chạy” khác rất tinh vi, nhưng cũng không kém phần nguy hại, đó là “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”. Phần lớn những cá nhân, tập thể “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” không chỉ thỏa mãn mục đích thích được đề cao, ca ngợi, "đánh bóng tên tuổi", muốn “nổi đình nổi đám” trong xã hội, mà còn nhằm "bịt chặt" những sai trái, khuyết điểm của mình để “che mắt thiên hạ”!
Danh thường gắn liền với lợi. Có những cá nhân quyết chạy bằng được thành tích này, danh hiệu nọ cũng chỉ nhằm dễ bề thăng quan tiến chức. Do đó, cái sự “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” cũng là một biểu hiện của trục lợi chính trị. Vì khi những kẻ "chạy" đã sở hữu được phần thưởng, danh hiệu cao quý, kẻ đó có cơ hội được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm hay luân chuyển ở vị trí cao hơn. Ví như Trịnh Xuân Thanh, do có bằng khen, huân chương nên mới dễ được bổ nhiệm, luân chuyển nhiều vị trí công tác một cách mau lẹ và… bất thường như vậy! Vụ Việt Á, do có Huân chương nên mới ép được các địa phương phải mua sản phẩm kém chất lượng với giá cao…
Một trong những lý do căn bản nhất dẫn đến tình trạng “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng là trong công tác thi đua, khen thưởng của chúng ta còn nhiều “lỗ hổng”, còn có cơ chế “xin cho”. Mặt khác, tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương và nhất là tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy”, kèn cựa danh hiệu, đố kỵ thứ hạng của nhau… còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, tổ chức (kể cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Công Thương).
Để ngăn chặn tình trạng “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong đó phải đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát phong trào thi đua. Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật thi đua khen thưởng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Cần phải siết chặt quy trình, thủ tục hồ sơ thẩm định khen thưởng, “bịt chặt” các lỗ hổng về phong tặng danh hiệu để mọi cá nhân, tổ chức không có cơ hội “chạy” nhằm “lấy bằng được” thành tích, khen thưởng và danh hiệu. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng cho các đối tượng.
Giải pháp cơ bản, lâu dài để ngăn chặn tình trạng “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng là cần phải tăng cường giáo dục, bồi đắp, nâng cao tinh thần tự trọng, ý thức liêm sỉ, đức tính trung thực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cuộc sống, học tập, công tác; kiên quyết nói “không” với việc che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, cố tình “mua” thành tích, “chạy” khen thưởng, “chạy” danh hiệu chỉ nhằm “đánh bóng tên tuổi”, vì suy cho cùng, đây cũng là một hành vi trục lợi tinh thần, làm xói mòn phẩm chất đạo đức của người cách mạng.
Mặt khác, các cơ quan chức năng, hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp và những người làm công tác thi đua - khen thưởng cần phải nêu cao trách nhiệm đạo đức công vụ, bảo đảm sự khách quan, công tâm, chính xác trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ, báo cáo, tờ trình đề nghị khen thưởng của cấp dưới; chủ động nhận diện, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân, tổ chức thiếu trung thực trong hoạt động thi đua và có động cơ, hành vi lệch lạc về công tác khen thưởng.
Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời và xử lý ngay những cán bộ làm công tác khen thưởng có biểu hiện bao che, giúp sức dẫn đến đề xuất khen thưởng không đúng đối tượng, gây bức xúc trong dư luận. Bởi theo dõi vụ việc trao thưởng cho Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thì nhận thấy, doanh nghiệp này không tổ chức phong trào thi đua yêu nước một cách bài bản theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, nhưng vẫn được các cơ quan chức năng trình khen thưởng, chỉ vì kết quả nghiên cứu ra sản phẩm khoa học đầu tiên, có “tiếng vang” lớn trong xã hội.
Giải pháp căn cơ hiện nay là phải chú trọng quan tâm xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong mọi hoạt động công tác, gắn với việc thường xuyên chăm lo xây dựng môi trường văn hóa công sở và bầu không khí thi đua thật sự lành mạnh. Thực hiện tốt giải pháp này là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nhân tố tích cực đều có cơ hội cống hiến, trưởng thành và khi họ đạt thành tích tốt thì được khen thưởng kịp thời, xứng đáng; đồng thời không để cho những kẻ nói nhiều làm ít hay chỉ thích luồn lọt, nịnh hót sẽ không còn cơ hội tìm cách che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” vì mục đích háo danh, vụ lợi.
Hay nói cách khác, khi các giá trị đạo đức văn hóa lan tỏa vào trái tim, khối óc mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và thấm sâu vào mọi hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì sẽ góp phần đẩy lùi được tình trạng: “Bệnh” thành tích; thích được đề cao.
Điều quan trọng là công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, công tâm công bằng, minh bạch, đúng thành tích, có giá trị giáo dục nêu gương. Bảo đảm việc xét khen thưởng có tính cạnh tranh, thành tích thực chất. Kiên quyết phòng chống tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng.