Ngăn dịch bệnh bùng phát mùa tựu trường

Bộ Y tế đề nghị chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Tăng cường giám sát

So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Hiện cả nước đang bước vào năm học mới, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Trước tình hình này, Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; đề nghị ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, phối hợp ngành y tế hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh...

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai phòng chống dịch trong mùa tựu trường; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Tiêm phòng cho trẻ ở TP HCMẢnh: HẢI YẾN

Tiêm phòng cho trẻ ở TP HCMẢnh: HẢI YẾN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh này. Sở Y tế TP HCM cho biết 7 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 49 ca đậu mùa khỉ, không có tử vong. Đáng chú ý, các ca bệnh 100% là nam giới, độ tuổi trung bình từ 18-53, trong đó 84% bệnh nhân tự nhận thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Sở Y tế TP HCM nhận định dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn vẫn được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng.

Để phát hiện sớm ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu.

Khẩn trương tiêm bù

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), TP HCM thuộc 7/63 tỉnh, thành có nguy cơ có dịch sởi rất cao.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM đã triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi. Đối với các trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn. Tổ chức tiêm bù ngay cho các trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi theo quy định; vận động cha mẹ đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi (hoặc tiêm chưa đủ mũi) đến các điểm tiêm để tiêm bù. Hướng dẫn cộng tác viên sức khỏe cộng đồng cũng như giáo viên, bảo mẫu tại các trường học khi phát hiện ca sởi phát ban thì thông báo cho trạm y tế.

Đồng Nai cũng được xếp vào địa phương nguy cơ dịch bệnh sởi rất cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca bệnh sởi, tăng 34 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Lê Quang Trung cho hay tại tỉnh này, dịch sởi xảy ra gần đây nhất là năm 2018. Những năm sau đó, bệnh sởi gần như vắng bóng hoặc chỉ vài ca lẻ tẻ nhưng năm nay số ca bệnh tăng đột biến nên đơn vị đã triển khai kế hoạch phòng chống và đáp ứng với bệnh sởi trên địa bàn. Trong đó, lưu ý thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin theo chiến dịch, tiêm vét, tiêm bù, khoanh vùng, dập dịch, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thiết bị, máy móc, nhân lực… để bảo đảm công tác điều trị, hạn chế số ca bệnh nặng, tử vong.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cũng cho biết từ đầu năm đến nay địa phương ghi nhận 12 ca mắc sởi, so với năm 2023 là tăng 100%. Để chủ động phòng chống bệnh sởi, ngay từ sớm, ngành y tế tỉnh đã có kế hoạch phòng chống bệnh sởi trên địa bàn. Viện Pasteur TP HCM đã cung cấp đủ và luôn sẵn sàng để tiêm chủng nên Bình Dương sẽ triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 6-10 tuổi.

Không chủ quan nhưng không quá lo

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng cần cảnh giác bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh có thể lây lan từ các nước khác vào Việt Nam, cũng không loại trừ khả năng xuất hiện biến thể mới của virus. Không quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan mà cần có biện pháp thích hợp để ứng phó.

Nhóm Phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngan-dich-benh-bung-phat-mua-tuu-truong-196240820205015597.htm