Ngăn dòng lao động xuất khẩu bỏ trốn
Do đang có 890 lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 2 huyện tiếp tục bị phía Hàn Quốc từ chối tiếp nhận lao động
Với hơn 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, tập trung nhiều tại các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)..., Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ XKLĐ nên địa phương này đã có hàng ngàn người thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, hiện Thanh Hóa cũng đang "đau đầu" trước thực trạng lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc.
Số lao động bỏ trốn dẫn đầu cả nước
Theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đến ngày 30-6, số lao động của Thanh Hóa làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 890 người trong tổng số hơn 6.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc (chiếm 8,77%) tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại nước này.
Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 2 huyện bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn (trước đó, 4 địa phương khác đã từng bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là: TP Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Nga Sơn).
Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết nguyên nhân lao động sau khi hết hợp đồng hoặc bỏ trốn trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc là do chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí còn cao hơn), nên nhiều người lao động (NLĐ) vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.
NLĐ thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài nên sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc nhằm có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng lao động bỏ trốn, chủ sử dụng lao động nước ngoài sẽ giảm được các khoản chi phí tuyển dụng mới lao động. "Công tác quản lý NLĐ nước ngoài làm việc ở nước bạn chưa chặt chẽ; việc thực thi chế tài xử phạt chưa hiệu quả, chưa có tính chất răn đe đối với cả chủ sử dụng lao động và NLĐ không có giấy tờ hợp pháp nên NLĐ Việt Nam dễ lợi dụng sơ hở để trốn tránh các cơ quan chức năng ở lại làm việc bất hợp pháp" - ông Tùng thông tin.
Tuyên truyền kết hợp giải quyết việc làm
Việc NLĐ bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng khiến NLĐ đối mặt với các rủi ro như trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện; việc làm và thu nhập không bảo đảm, chế độ bảo hiểm mất, rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ.
Nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề này. UBDN tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 3 chỉ thị về thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài về nước và lao động về nước đúng hạn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể tại địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho NLĐ trước khi đi nước ngoài làm việc, đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật.
"Sở có văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức ký cam kết và giao chỉ tiêu cho các tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc vận động lao động của địa phương làm việc tại nước ngoài về nước đúng hạn. Kịp thời thông báo danh sách lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang cư trú bất hợp pháp và lao động sắp hết hạn hợp đồng để huyện, xã đến tận gia đình vận động NLĐ về nước đúng quy định" - đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa thông tin.
Ngoài những giải pháp trên, để NLĐ khi về nước có thể dễ dàng tìm kiếm công việc mới phù hợp, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho lao động về nước đúng thời hạn; tổ chức thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm tại cơ sở; hỗ trợ việc làm đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về, vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... có trình độ tay nghề phù hợp.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/ngan-dong-lao-dong-xuat-khau-bo-tron-20220824195408944.htm