Ngân hàng bất ổn, bất động sản thế giới cũng 'không khỏe'
Hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây làm dấy lên nỗi lo các ngân hàng sẽ ngừng cấp vốn cho thị trường bất động sản thương mại, làm chậm hoạt động xây dựng và tăng nguy cơ suy thoái.
Chỉ trong vài tuần, hai ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature liên tiếp sụp đổ, tiếp đó là ngân hàng First Republic chật vật huy động vốn mới dù đã được các ngân hàng lớn hỗ trợ 30 tỉ USD.
Theo The New York Times, cả Signature và First Republic đều là những bên cho vay lớn của các công ty xây dựng, công ty quản lý cao ốc văn phòng, căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại và các loại bất động sản thương mại khác.
Theo Trepp, công ty dữ liệu bất động sản thương mại, Ngân hàng First Republic có danh mục cho vay lớn thứ 9 trên thị trường bất động sản Mỹ. Trước khi sụp đổ, Signature có danh mục cho vay lớn thứ 10 trong lĩnh vực bất động sản. Các ngân hàng cỡ trung ở khu vực như Signature và First Republic không chỉ cung cấp phần lớn các khoản vay bất động sản thương mại cho các doanh nghiệp, mà còn là một phần của thị trường lớn hơn nhiều.
Các ngân hàng này thường chuyển các khoản cho vay thành sản phẩm tài chính phức tạp và bán chúng cho các nhà đầu tư, giúp ngân hàng huy động thêm tiền nhằm cho vay nhiều hơn nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm cho vay cũng có thể làm thay đổi hành vi của các nhà đầu tư.
Bất động sản thương mại Mỹ đóng góp 2,3 ngàn tỉ USD vào nền kinh tế quốc gia năm 2022. Chuyên gia lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể gây ra đợt suy thoái mới đối với bất động sản bởi ngành này chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc COVID-19.
Luật sư bất động sản Varuna Bhattacharyya tại New York cho biết ở thời điểm này, các ngân hàng sẽ cảnh giác hơn nữa trước khi thông qua bất cứ khoản tín dụng nào cho các dự án bất động sản. Tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản thương mại đầu năm 2023 đến nay đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Matthew Anderson, giám đốc điều hành của công ty dữ liệu bất động sản thương mại Trepp, hoạt động cho vay đã giảm dần kể từ sau sự sụp đổ của SVB và Signature. Ông nói: "Tác động sẽ kéo dài và nghiêm trọng thế nào vẫn còn phải xem xét".
Ông Daniel Klein, chủ tịch công ty quản lý bất động sản Klein Enterprises, dự báo các điều khoản cho vay bất động sản thương mại sẽ bị siết chặt hơn trong những tháng tới trong bối cảnh các ngân hàng cỡ trung chật vật sau sự sụp đổ của SVB và Signature.
Ông Michael E. Lefkowitz, luật sư bất động sản của Rosenberg & Estis ở New York, cho rằng các ngân hàng khu vực là bộ phận sống còn của hệ sinh thái bất động sản thương mại bởi nhân viên ngân hàng có quan hệ mật thiết với các công ty xây dựng và quản lý bất động sản. Các ngân hàng lớn thường không cung cấp dịch vụ đó cho các công ty bất động sản tầm trung.
Bất kỳ sự sụt giảm nào trong hoạt động cho vay mới đều có thể ảnh hưởng đến phát triển thương mại và đẩy nền kinh tế đến gần suy thoái hơn. Cuối năm ngoái, báo cáo của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho thấy 27 ngân hàng khu vực đang có các khoản cho vay bất động sản với mức độ tập trung cao trên bảng cân đối kế toán của họ. Báo cáo cho rằng một khi nền kinh tế suy thoái, các khoản vay nói trên sẽ trở thành vấn đề đối với các ngân hàng.