Ngân hàng chạy đua tăng vốn

Năm 2025, nhiều ngân hàng lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ.

Không ít ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ như VietinBank, HDBank, ACB, Nam A Bank, VIB, MB

Không ít ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ như VietinBank, HDBank, ACB, Nam A Bank, VIB, MB

Tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại

Hội đồng quản trị VietinBank dự kiến dùng 23.971 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021, năm 2022 và giai đoạn 2009 - 2016 phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 44,64% (tỷ lệ cụ thể sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền), để trả cổ tức, qua đó tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo VietinBank lên phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Năm 2024, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 24.259 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là gần 15.597 tỷ đồng. Mức chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng dự kiến ở mức 15.597 tỷ đồng.

Trước đó, VietinBank đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép Ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tại Vietcombank, ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/3/2025 để phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, tương đương tỷ lệ phát hành 49,5%, nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm hơn 27.600 tỷ đồng, từ 55.890 tỷ đồng lên trên 83.500 tỷ đồng.

Với BIDV, kế hoạch trả cổ tức là 20% bằng cổ phiếu nhằm tăng thêm vốn điều lệ, đáp ứng các tiêu chuẩn Basel III và nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR).

Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở mức cao, dẫn đến hệ số CAR của nhóm này cao hơn nhiều so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Tính đến giữa năm 2024, hệ số CAR của hai nhóm này lần lượt là 11,86% và 9,99%.

Hiện tại, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống là VPBank, với 79.339 tỷ đồng, đứng thứ hai là Techcombank, với 70.450 tỷ đồng.

Phát hành riêng lẻ và ESOP

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ cao hơn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, bởi hệ số an toàn vốn tối thiểu ở mức thấp hơn.

BIDV vừa chào bán thành công 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó, hơn 38,6 triệu cổ phiếu được phân phối cho nhà đầu tư trong nước, gần 85,2 triệu cổ phiếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Kết thúc đợt phát hành, tổng số cổ phiếu của BIDV tăng lên hơn 7,02 tỷ đơn vị, vốn điều lệ tăng từ 68.975 tỷ đồng lên hơn 70.213 tỷ đồng.

Tại Vietcombank, ngoài kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hàng tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng này có kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tổ chức (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm 2025.

Trong khi đó, VIB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14% và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Khi đó, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%. Toàn bộ vốn tăng thêm sẽ được Ngân hàng sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh cấp tín dụng, đầu tư vào tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh… Nhà băng này đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 11.020 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 22% so mức thực hiện năm 2024.

Nam A Bank dự định phát hành thêm hơn 343,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25% từ nguồn vốn chủ sở hữu, đồng thời phát hành 85 triệu cổ phiếu ESOP, qua đó sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 13.700 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ nhu cầu gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là cải thiện hệ số CAR.

Dự báo, năm 2025, nợ xấu vẫn là một trong những thách thức với ngành ngân hàng. Vốn điều lệ được nâng cao sẽ đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng trong việc đối phó với những thách thức và sự biến động trong môi trường kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 138), hệ số CAR tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng nâng hệ số CAR tối thiểu kể từ năm 2030 để đạt mức 10,5% vào năm 2033, trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, mức đệm bảo toàn vốn là 2,5%.

Vốn đệm bảo toàn vốn sẽ giúp các ngân hàng có một mức đệm phòng ngừa trước khi vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng từ 0,625% năm 2023 lên 2,5% năm 2033, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.

Như vậy, ngoài đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng, nâng cao vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, nhất là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo quy định đã bị “co” lại, hiện chỉ còn tối đa là 30%.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-chay-dua-tang-von-post366420.html