Ngân hàng chưa vơi nỗi lo vốn mỏng

Nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao, các ngân hàng luôn chịu áp lực tăng vốn do nền vốn còn mỏng trong khi tín dụng, đầu tư tăng khá cao và nguy cơ nợ xấu có thể tăng là hiện hữu.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, trong những năm gần đây, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện nhờ khả năng sinh lời tốt và các ngân hàng tích cực tăng vốn đáp ứng yêu cầu Basel II. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn mỏng vốn nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế cũng như đặt trong môi trường kinh doanh rủi ro.

Vốn tăng nhưng vẫn mỏng

Trong vài năm trở lại đây, vốn điều lệ của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ. Đặc biệt, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng các ngân hàng vẫn không ngừng nỗ lực tăng vốn.

Tăng vốn là áp lực với bất kỳ ngân hàng nào.

Tăng vốn là áp lực với bất kỳ ngân hàng nào.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, vốn điều lệ của toàn hệ thống đã tăng tới 24,2%, từ 576,3 nghìn tỷ đồng cuối năm 2018 lên 715,6 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021. Trong đó, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng 30,4% trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước tăng trưởng 14,7% trong gần 4 năm qua.

Còn theo định lượng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, trong 3 năm qua, mức vốn cần bổ sung của hệ thống ngân hàng Việt đã giảm một nửa (từ cần gần 20 tỷ USD tương đương 9% GDP và hiện chỉ còn cần bổ sung khoảng 10,7 tỷ USD, tương đương 2,9% GDP), đã cho thấy những nỗ lực lớn của cả hệ thống.

Đáng lưu ý, tổ chức này ước tính, nếu các ngân hàng chưa tuân thủ Basel II chỉ cần huy động thêm 0,6 tỷ USD vốn mới để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu của Basel II là 8% trước thời hạn thực hiện vào tháng 1/2023. Như vậy, có thể hiểu con số dự kiến vốn bổ sung 10,7 tỷ USD tương đương tiệm cận tiêu chuẩn Basel III.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 13 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, đặc biệt một số thành viên đã bắt đầu triển khai áp dụng các chuẩn mực cao hơn là Basel III và IFRS9. Do đó, để hoàn thành mục tiêu, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn.

Theo dõi thị trường có thể thấy, đang có cuộc chạy đua tăng vốn ở các ngân hàng. Điều này được thể hiện trong tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ năm 2022, hầu hết ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn và thực hiện qua nhiều hình thức như chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP…

Tìm dư địa tăng vốn

Theo các chuyên gia, tăng vốn là áp lực với bất kỳ ngân hàng nào, nhưng dư địa để tăng vốn nhằm cải thiện hệ số CAR lại khác nhau ở các ngân hàng và đặc biệt là giữa ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng quốc doanh.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức cần thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Trong khi theo quy định, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là 85%, với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, phải duy trì trên 230 nghìn tỷ không được cho vay", ông Ấn nói.

Còn theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ nền kinh tế. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ năm 2022 mới đây, cổ đông VIB đã thông qua phương án nâng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Lãnh đạo VIB cho biết, kế hoạch này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề tăng vốn tại các ngân hàng quốc doanh, nói với VnBusiness, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nút thắt tăng vốn ở nhóm ngân hàng này đã được tháo gỡ nhờ Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

"Điều này có nghĩa, các ngân hàng trong nhóm "Big 4", bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank được tạo điều kiện tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa phục vụ tăng trưởng", ông Hiếu nói.

Thực tế, tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, câu chuyện tăng vốn cho "big 4" được NHNN xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, định hướng của NHNN là tiếp tục tăng vốn điều lệ cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietinbank, Vietcombank, BIDV) từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-chua-voi-noi-lo-von-mong-1084452.html