Ngân hàng không nên 'bỏ hết trứng vào một giỏ'

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, một trong những nội dung thay đổi lớn trong luật đó là điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng cho một cá nhân và người liên quan.

Cụ thể, theo Điều 136 Luật Các TCTD 2024, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15%.

Các chuyên gia đánh giá, quy định được kỳ vọng giúp cho hoạt động cho vay được phát triển bền vững hơn, trong thời gian dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các ngân hàng cho vay khách hàng liên quan sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay.

Trao đổi với phóng viên, LS. Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng nhưng ở mức độ chấp nhận được do đã có lộ trình kéo dài 5 năm. “Giảm tỷ lệ cấp tín dụng là một trong những công cụ để cơ quan quản lý dễ giám sát. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần đạt được là phải giảm tỷ lệ cho vay một cách thực chất”, LS. Đức nhấn mạnh.

Chung quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, quy định trên rất phù hợp với thực tiễn hoạt động của các ngân hàng và sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD do đã có lộ trình trong vòng 5 năm khá rõ ràng. Thay vì một ngân hàng cho vay thì nhiều ngân hàng có thể đồng tài trợ, điều này có thể giảm thiểu được rủi ro khi một ngân hàng “đầu tư” cho một khách hàng lớn. Điều này phù hợp với nguyên tắc chia sẻ rủi ro trong đầu tư kinh doanh. “Nếu có lợi thì cùng được hưởng và nếu có rủi ro thì cùng chia sẻ, vậy tại sao một TCTD cứ phải ôm một mình một dự án. Trong khi đó, nếu một ngân hàng cấp vốn thì khi dự án đó xảy ra vấn đề thì rủi ro và hậu quả sẽ rất lớn”, TS. Hùng nêu vấn đề.

Một chuyên gia ngân hàng khác ủng hộ việc giảm giới hạn cấp tín dụng với một khách hàng/nhóm khách hàng. Giảm giới hạn cấp tín dụng có nghĩa doanh nghiệp phải làm việc với nhiều ngân hàng hơn để được đồng tài trợ và khuyến khích tìm đến các kênh tiếp cận vốn khác ngoài tín dụng ngân hàng. Theo đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển thị trường vốn một cách ổn định.

“Các ngân hàng có thể rất muốn “độc chiếm” các khách hàng, doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngân hàng không nên tập trung “bỏ trứng vào một giỏ”, dồn quá nhiều vốn cho một khách hàng, một nhóm khách hàng. Với các dự án lớn, nên khuyến khích hình thức cho vay đồng tài trợ, Nhà nước cũng đã có cơ chế về vấn đề này. Cùng cho vay, cùng kiểm tra, cùng kiểm soát thì sẽ tăng minh bạch, giảm rủi ro. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải làm quen dần”, vị này phân tích thêm.

Việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ hạn chế rủi ro cho các ngân hàng

Việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ hạn chế rủi ro cho các ngân hàng

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, việc giảm giới hạn cho vay tối đa đối với một khách hàng cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường vốn phát triển. Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Bất cứ khi nào kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ là hiệu ứng domino ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh ngành Ngân hàng thì các thị trường khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ.

TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, ngân hàng huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, không đủ nguồn lực để đáp ứng mọi nhu cầu đầu tư vốn trung, dài hạn. Việc đòi hỏi ngân hàng đáp ứng tất cả nhu cầu vốn trung, dài hạn là không hợp lý, mà phải mở rộng ra các kênh huy động vốn khác, quan trọng nhất là huy động từ thị trường vốn.

Trước các ý kiến lo ngại việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, TS. Hùng cho rằng, trên thực tế tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đang rất lớn, tỷ lệ cho vay 10-15% vốn tự có là con số không hề nhỏ. “Theo tôi, mèo nhỏ thì nên bắt chuột nhỏ, đừng tham bắt chuột lớn. Ngân hàng phải căn cứ vốn điều lệ của mình để lượng sức mình, cho vay ở tỷ lệ đảm bảo an toàn”, TS. Hùng khuyến nghị.

Theo TS. Hùng, điều đáng lo nhất thời điểm này là doanh nghiệp không có dự án hiệu quả, không có khả năng trả nợ. Còn các dự án lớn nếu thực sự minh bạch, hiệu quả, thì dù vốn đầu tư có lên tới hàng tỷ USD cũng không sợ thiếu vốn. “Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cũng phải thay đổi thay vì dựa vào một ngân hàng, cần minh bạch cho nhiều ngân hàng cùng đánh giá, cho vay. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng bắt tay nhau tài trợ vốn”, TS. Hùng nêu vấn đề.

Mặc dù vậy, lãnh đạo một ngân hàng lớn bày tỏ, mặc dù giảm tỷ lệ cho vay tối đa 1 khách hàng tại ngân hàng giảm từ 15% xuống 10% là hợp lý. Song quy định này sẽ tác động đến ngân hàng lớn, doanh nghiệp lớn trong vay vốn. Do đó, với ngân hàng lớn, khả năng kiểm soát tốt, vị này đề xuất có thể tạo cơ chế đặc thù với khách hàng tốt. Từ đó mở rộng tăng trưởng tín dụng kịp thời hiệu quả nhất là đối với doanh nghiệp lớn, Tổng công ty lớn.

Thực tế là cánh cửa vay vốn vượt hạn mức của doanh nghiệp đang mở khi mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 9/2024/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quyết định nêu rõ, điều kiện xem xét chấp thuận khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng một số điều kiện. Đó là khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật; không có nợ xấu tại các TCTD trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn không quá 3 lần. Khách hàng thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng…

Quyết định trên cũng quy định những TCTD được cho vay vượt hạn mức tín dụng với doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện đầu tiên là cấp tín dụng hợp vốn. Theo đó, TCTD đã đề xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng hợp vốn của các TCTD chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng. Hoặc TCTD đã phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 5 TCTD khác.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-khong-nen-bo-het-trung-vao-mot-gio-153386.html