Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp
Đó là chia sẻ của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước về định hướng chính sách tiền tệ.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước
Câu chuyện “nóng” của ngành ngân hàng thời gian qua là giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi vay vốn. Thông điệp của nhà điều hành về vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?
Dưới góc độ người gửi tiền, cá nhân và tổ chức gửi tiền đều mong muốn nhận lãi suất cao. Nhưng với vai trò người đi vay, doanh nghiệp và người dân luôn mong muốn được vay với lãi suất thấp. Đây là bài toán khó mà các tổ chức tín dụng phải giải quyết.
Về cơ bản, dưới góc độ ngành ngân hàng, lãi suất cho vay phụ thuộc vào một số yếu tố như:
Thứ nhất, hệ số sử dụng vốn của ngân hàng (dư nợ cho vay/tiền gửi). Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều duy trì tỷ lệ an toàn sử dụng vốn sát ngưỡng do Ngân hàng Nhà nước quy định để đảm bảo đồng vốn cho vay được sử dụng một cách tối ưu, hiệu quả. Việc cân đối vốn và xử lý tình huống thiếu vốn là vấn đề các ngân hàng thương mại phải cân nhắc trong quá trình cho vay và quyết định mặt bằng lãi suất huy động, cho vay.
Thứ hai, trong quá trình cho vay, các tổ chức tín dụng luôn phải đối mặt với câu chuyện chênh lệch kỳ hạn. Nói cách khác, lãi suất cho vay chịu tác động của chênh lệch kỳ hạn. Trong cấu trúc bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trên 50% dư nợ cho vay nền kinh tế (khoảng 15 triệu tỷ đồng) hiện nay là cho vay trung và dài hạn, trong khi 80% nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng lại là vốn ngắn hạn, từ đó tạo ra khe hở về kỳ hạn, dẫn đến rủi ro thanh khoản lớn cho các tổ chức tín dụng. Do đó, lãi suất cho vay phải được tổ chức tín dụng tính toán để bù đắp cho rủi ro này.
Thứ ba, kỳ vọng về lạm phát. Khi kỳ vọng lạm phát càng cao, cả tổ chức tín dụng và người dân đều có xu hướng và mong muốn đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Khi lạm phát thấp, mặt bằng lãi suất cũng sẽ giảm.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,6%/năm
Thứ tư, các tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào nhu cầu tín dụng của khách hàng để định hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Trong bối cảnh nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2025 (mục tiêu trên 8%) và 2 con số những năm tới, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là mức khá cao. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ tạo áp lực gia tăng lên mặt bằng lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước nhiều năm nay thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong cho vay. Kết quả là trong hai năm 2023 - 2024, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đã giảm 2,3%/năm. Trong 3 tháng đầu năm 2025, mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới tiếp tục giảm 0,6%/năm. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh huy động vốn còn nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng do cạnh tranh không bình đẳng đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao, tác động lớn đến lãi suất cho vay. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 19 yêu cầu ngành ngân hàng nghiêm túc thực hiện việc hạ lãi suất cho vay. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục quán triệt hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Việc giảm lãi suất cho vay nói riêng và giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp nói chung không thể đặt trọng trách hoàn toàn cho ngành ngân hàng?
Việc các ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn trên thế giới tăng và duy trì mặt bằng lãi suất cao thời gian qua dẫn đến áp lực rất lớn cho Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất nói riêng. Mặc dù vậy, trong 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn duy trì lãi suất điều hành ổn định và ở mức thấp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận được nguồn vốn chi phí thấp thông qua các nghiệp vụ thị trường mở, đảm bảo các tổ chức tín dụng duy trì được chi phí vốn hợp lý, qua đó, hỗ trợ tổ chức tín dụng duy trì được lãi suất cho vay thấp.
Đây cũng là định hướng được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành trong thời gian tới nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Chi phí chi trả lãi chỉ là một cấu phần trong các loại chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay nói riêng và giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp nói chung cần sự chung tay hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương, để qua đó hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 3”, tổ chức cuối tuần qua tại Sơn La, một số ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại, có hướng dẫn về điều kiện cấp tín dụng liên quan đến quy định công chứng hợp đồng vay, mua bảo hiểm vốn vay, các tiêu chuẩn cấp tín dụng đầu tư cơ sở hạ tầng và điều kiện về tài sản bảo đảm trong việc vay vốn ngân hàng… Ông có thể cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này?
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản hướng dẫn Luật, điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng rất đơn giản. Về cơ bản, doanh nghiệp chỉ cần có phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính lành mạnh. Theo đó, việc cho vay và đi vay giữa tổ chức tín dụng và khách hàng ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên đều được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Mở rộng các hình thức thế chấp khoản vay
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước
Theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về việc cho vay có tài sản bảo đảm, hoặc không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng thời gian qua, luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay (hàng tồn kho, các khoản phải thu, dòng tiền...) định giá tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, nhằm tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền và ngăn ngừa trước rủi ro.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên cập nhật, hoàn thiện các quy định về cấp tín dụng, tạo thuận lợi cho hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung hoạt động bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng và đã ban hành Thông tư 20/2024/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện. Theo đó, các tổ chức tín dụng có thể ứng mua trước các khoản phải thu của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa, từ đó giúp doanh nghiệp kịp thời có nguồn vốn quay vòng sản xuất mà không phải đợi đến thời hạn thanh toán theo hợp đồng cung cấp hàng hóa với người mua hàng.
Ngoài việc cập nhật, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp đến các tổ chức tín dụng kinh nghiệm quốc tế về chương trình tài trợ chuỗi cung ứng dựa trên đánh giá về động sản và dựa trên nền tảng dữ liệu về doanh nghiệp, đặc biệt là dữ liệu về hoạt động sản xuất - kinh doanh, dữ liệu về hoạt động thanh toán. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng đa dạng sản phẩm tín dụng của tổ chức mình đối với khách hàng.