Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 1/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025. Trong đó khẳng định, Chính phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong đó tập trung chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm một số nội dung trọng tâm sau:
Quán triệt, thực hiện nghiêm quy định trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể như sau:
Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, cần làm rõ: (1) Những quy định kế thừa hoặc lược bỏ, vì sao? (2) Những quy định sửa đổi, hoàn thiện cụ thể, vì sao? (3) Những quy định bổ sung mới, vì sao? (4) Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là bao nhiêu, vì sao? (5) Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao? (6) Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Quang cảnh phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025. (Ảnh minh họa: VGP)
Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh mới, cần làm rõ các nội dung: (1) Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào? (2) Những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì? (3) Những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp? (4) Những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì? (5) Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào? (6) Việc phân cấp, phần quyền phư thế nào? (7) Các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng Luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về chất lượng và tiến độ. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2025 quy định về đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.
Tập trung rà soát, đánh giá các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách đang được triển khai có hiệu quả tốt, phát huy tác dụng để đề xuất tiếp tục thí điểm, bổ sung giải pháp phù hợp giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, xóa bỏ ách tắc.
Cũng theo Nghị quyết nêu: Tại phiên họp ngày 19/3/2025, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật, đề nghị xây dựng Luật: (1) Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (2) Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; (4) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên họp, Chính phủ thống nhất chưa xem xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật Cấp thoát nước và Luật Quản lý, phát triển đô thị.
Trong đó, đối với Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Nghị quyết nêu rõ: Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu tiên áp dụng Luật này để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.