Ngân hàng phương Tây phản đối đề xuất viện trợ mới nhất cho Ukraine

Kế hoạch sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga nhằm viện trợ cho Ukraine đang bị phản đối quyết liệt, do những rủi ro.

Theo nhiều nguồn tin, một số ngân hàng phương Tây đang kêu gọi làn sóng phản đối đề xuất chuyển hàng tỷ euro lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga sang một quỹ do EU điều hành để viện trợ cho Kiev, do lo ngại điều này có thể dẫn đến những vụ kiện tụng tốn kém.

Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã tán thành kế hoạch sử dụng 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD)/năm lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trở cho Ukraine. Các nhà lãnh đạo EU cho biết số tiền thu được có thể sử dụng trong vòng vài tháng.

Kế hoạch viện trợ mới nhất của Eu cho Ukraine đang vấp phải phản đối. Ảnh: Reuters

Kế hoạch viện trợ mới nhất của Eu cho Ukraine đang vấp phải phản đối. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một số ngân hàng lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nga nếu có liên quan đến đến bất kỳ hoạt động chuyển tiền nào sang Ukraine hay lo lắng việc EU sẽ mở rộng phạm vi kế hoạch ra các tài khoản của các cá nhân, tổ chức bị trừng phạt mà họ đang nắm giữ.

Nhiều chuyên gia lo ngại đề xuất này có thể sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm niềm tin vào hệ thống ngân hàng phương Tây.

Do tính nhạy cảm của vấn đề, nhiều ngân hàng đang chia sẻ những lo ngại với các nhà hoạch định chính sách của Anh và khu vực đồng euro, đồng thời cảnh báo khả năng xảy ra kiện tụng khi các lệnh trừng phạt Nga nới lỏng hoặc bị dỡ bỏ.

Nga cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt tài sản của họ sẽ dẫn đến những vụ kiện tụng pháp lý kéo dài hàng thập kỷ. Moscow đã nhiều lần cảnh cáo sẽ trả đũa nếu tài sản bị tịch thu.

Euroclear đang nắm giữ tài sản 190 tỷ euro của ngân hàng trung ương Nga. Các ngân hàng phương Tây cũng nắm giữ hàng tỷ euro tài sản thuộc sở hữu của các công ty và cá nhân bị trừng phạt.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết vào năm ngoái, hơn 3,5 triệu người Nga có tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài, với tổng trị giá lên đến 1,5 nghìn tỷ rup (16,32 tỷ USD).

Để thực hiện kế hoạch này, EU dự sẽ phải trả một khoản phí cho Euroclear.

Euroclear cũng sẽ được phép giữ lại 10% lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga nhằm phòng ngừa rủi ro kiện tụng.

Theo kế hoạch của EU, khoảng 90% lợi nhuận từ tài sản của Nga sẽ được chuyển qua quỹ Cơ chế Hòa bình châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine. Phần còn lại được sử dụng cho việc phục hồi và tái thiết.

Luật trừng phạt của EU, Anh và Mỹ chỉ quy định việc phong tỏa tài sản của các bên được chỉ định, nhưng không đề cập đến việc tịch thu. Tài sản có thể bị tịch thu theo luật pháp Anh, nhưng theo hướng tịch thu tài sản từ người có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo các nguồn tin, việc cho phép tịch thu và phân phối lại lợi nhuận thu được từ những tài sản đó sẽ làm phát sinh những tranh chấp pháp lý giữa ngân hàng và chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, Nga cũng đã tịch thu tài sản, thiết lập ban quản lý mới tại các công ty con của các tập đoàn phương Tây và đưa ra giá cao đối với công ty muốn rời đi, nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Một số nguồn tin cho biết các ngân hàng đang tìm hiểu về các khoản bồi thường mà họ có thể nhận nếu tham gia vào kế hoạch của EU.

Paul Feldberg, nhân viên thuộc công ty Brown Rudnick, tại London, cho biết: “Nếu những đề xuất này được thực hiện, toàn bộ cơ cấu pháp lý sẽ phải thay đổi”.

“Đối với các ngân hàng, tôi nghĩ họ có lý do để lo ngại do rất nhiều vụ kiện dân sự trước đây đều liên quan đến các biện pháp trừng phạt”.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-phuong-tay-phan-doi-de-xuat-vien-tro-moi-nhat-cho-ukraine.html