Ngân hàng sẽ hưởng lợi khi quyền thu giữ tài sản đảm bảo về tay?
Việc khôi phục quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) cho các ngân hàng sẽ giúp thu hồi nợ xấu nhanh hơn, cải thiện chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định không coi quyền thu giữ tài sản là 'cây gậy thần' và thận trọng trong quá trình triển khai.
Nhiều ngân hàng đã bắt tay xây dựng quy trình nội bộ để tăng tốc xử lý nợ xấu ngay sau khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 15/10/2025) và Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn.
Tín hiệu tích cực cho các ngân hàng
Điểm mới trong Luật sửa đổi Luật các TCTD lần này đã luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Đó là, các tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền thu giữ TSĐB trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và TCTD; tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm TSĐB cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các TCTD.
Đồng thời, đối với TSĐB là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các TCTD.
Hiện nay, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã vượt 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10% GDP. Lượng lớn vốn nằm “chết” trong nền kinh tế đang khiến chi phí vốn của các ngân hàng trở nên đắt đỏ hơn, cản trở mục tiêu giảm lãi suất, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Với việc luật hóa quyền thu giữ TSĐB, khối nợ triệu tỷ đồng này sẽ được xử lý nhanh hơn trong thời gian tới.

Việc khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các ngân hàng sẽ giúp thu hồi nợ xấu nhanh hơn.
Theo NHNN, việc luật hóa quyền thu giữ TSĐB sẽ giúp quyền lợi của ngân hàng được đảm bảo, từ đó khuyến khích ngân hàng có thêm động lực để cho vay, hạ lãi suất cho vay do giảm chi phí khi phải xử lý nợ, xử lý TSĐB. Khi đó, doanh nghiệp và người dân có điều kiện tiếp cận, huy động vốn với lãi suất hợp lý nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, các ngân hàng “mong ngóng từng ngày” đợi Luật được thông qua và hiện nay đang khẩn trương xây dựng quy trình nội bộ về trình tự, thủ tục thu giữ TSĐB, cũng như lên danh mục những khoản nợ ưu tiên xử lý.
Trong báo cáo phân tích mới đây, VISRating cho biết, việc khôi phục quyền thu giữ TSĐB cho các ngân hàng sẽ giúp thu hồi nợ xấu nhanh hơn, cải thiện chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ và ít cho vay dự án phân khúc đầu cơ.
Theo VISRating, trong nửa đầu năm 2024, một nửa số nợ xấu được các ngân hàng xử lý thông qua hoạt động trích lập dự phòng và xóa nợ, trung bình chiếm khoảng 30-40% tổng vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng khiến thu nhập từ xử lý nợ trên tổng nợ xấu xử lý bằng dự phòng rủi ro (write-off) giảm từ mức 40% của giai đoạn 2021- 2022 xuống 27% của năm 2024.
Bên cạnh đó, theo một số ngân hàng, chẳng hạn như VPBank, dưới 30% hồ sơ được tòa án tiếp nhận và giải quyết. Thủ tục tố tụng cũng có thể kéo dài từ 5-7 năm.
Từ 2022-2025, tỷ lệ nợ có vấn đề ở các ngân hàng như ACB, HDBank, OCB, VIB, VPBank và MB trung bình tăng từ mức 1,6% lên 2,2% đến từ các khoản cho vay mua nhà thế chấp và cho vay hộ kinh doanh. Trong khi việc thanh lý bất động sản nhà ở được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ, thì các ngân hàng lại gặp nhiều thách thức với tài sản bảo đảm liên quan đến các dự án bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng/đầu cơ do tình trạng dư cung và tâm lý thị trường thận trọng.
Ngân hàng vẫn thận trọng chờ hướng dẫn
Trong một hội thảo về nợ xấu được tổ chức gần đây, đứng dưới góc nhìn của doanh nghiệp - những người đi vay tiền, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, trong quan hệ tín dụng thì người đi vay luôn là bên yếu thế bởi lẽ giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp tại ngân hàng luôn được định giá rất thấp, chỉ bằng khoảng 60-70% giá trị tài sản thực theo giá thị trường và ngân hàng chỉ cho vay 60-70% giá trị định giá, nghĩa là giá trị khoản vay chỉ còn lại 36-42% giá trị tài sản.
Người đi vay không được thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng mà bắt buộc phải ký kết vào hợp đồng vay, hợp đồng thế chấp theo mẫu của ngân hàng. Để được phê duyệt khoản vay, doanh nghiệp phải chấp nhận tất cả các yêu cầu của ngân hàng, vô hình chung là doanh nghiệp đã phải chấp nhận từ bỏ một số quyền lợi chính đáng mà đáng lý ra được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, việc luật hóa Nghị quyết 42 đang làm gia tăng thêm sức mạnh cho ngân hàng trong việc thu giữ tài sản.
“Do đó, cần phải bổ sung thêm các điều kiện khác để đảm bảo cho cả lợi ích của bên yếu thế, như cho phép ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi có quyết định của tòa án hoặc là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền xử lý về tranh chấp. Đề xuất hai bên đổi thỏa thuận về việc thu giữ TSĐB chỉ được xác lập khi đã phát sinh nợ xấu thay cho thời điểm hai bên ký hợp đồng thế chấp”, ông Châu kiến nghị.
Về phía các ngân hàng thương mại cho biết, sẽ rất thận trọng khi thực hiện giải pháp này. Bà Nguyễn Thu Lan, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank khẳng định, việc thu hồi nợ xấu sẽ được ngân hàng thực hiện chặt chẽ, thận trọng, vì chỉ một sai sót cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng trước hết sẽ dùng mọi biện pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ đúng hạn, thu giữ TSĐB là biện pháp sau cùng.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng BIDV khẳng định, Ngân hàng không coi quyền thu giữ TSĐB là “cây gậy thần”, chỉ xem đây là liệu pháp tâm lý, là công cụ pháp lý tránh khách hàng bội tín, giúp khách hàng có ý thức trả nợ hơn. Không có chuyện TCTD lạm dụng quy định này, vì Luật đã quy định rất chặt chẽ.
“Mỗi tổ chức tín dụng đều phải có những quy định nội bộ để hướng dẫn rất chặt chẽ, công khai, minh bạch; thỏa thuận trong các điều khoản của hợp đồng phải thỏa mãn tất cả các điều kiện này thì tổ chức tín dụng mới có thể kích hoạt quyền thu giữ tài sản đảm bảo, không thể có chuyện lạm quyền”, bà Phương khẳng định.
Theo các chuyên gia, quyền thu giữ TSĐB được luật hóa là công cụ xử lý nợ quan trọng bậc nhất của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, tác động lớn nhất mà Luật mang lại là hiệu ứng tâm lý của người vay. Khi người vay biết dù có cố tình không bàn giao tài sản, ngân hàng vẫn có thể tiến hành thu giữ theo luật, thì ý thức trả nợ sẽ cao hơn.