Ngân hàng Singapore: Kết quả tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam làm giảm áp lực nới lỏng chính sách

Ngày 8/7, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó, điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2025 lên 6,9%, thay vì mức 6% trước đó.

Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011. (Ảnh: Việt An)

Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011. (Ảnh: Việt An)

Theo ngân hàng trên, GDP thực tế của Việt Nam trong quý II/2025 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa so với dự báo của Bloomberg (6,85%) và dự báo của UOB (6,1% trong quý II), cũng như so với mức đã điều chỉnh của quý I/2025 là 7,05%.

Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp tranh thủ thực hiện đơn hàng xuất khẩu trong khoảng thời gian 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm ngừng chính sách áp thuế đối ứng, thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản 10%.

Trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 219 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 17,9%, đạt 212 tỷ USD. Những con số này tương đương tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 (xuất khẩu tăng 14%, nhập khẩu tăng 16%).

Máy tính và sản phẩm điện tử tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2025, tăng vọt 42% so với cùng kỳ lên 47,7 tỷ USD. Tiếp theo là điện thoại di động (giảm 1,1%, còn 26,9 tỷ USD) và máy móc thiết bị (tăng 16,3%, lên 27 tỷ USD).

Ba nhóm hàng này chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ, cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của Việt Nam vào các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, dữ liệu từ chỉ số sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam (PMI) cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn chưa thực sự quay lại nhịp tăng trưởng. Trong 7 tháng gần nhất, chỉ số PMI nằm dưới mức 50 tới 6 lần, phản ánh ngành sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do sự sụt giảm của đơn hàng mới.

Theo S&P Global, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương mức giảm từng ghi nhận vào tháng 5/2023.

Mặt khác, dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ghi nhận tích cực trong nửa đầu năm, khi tăng 8,1% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và các biện pháp thuế quan đang được áp dụng, dòng vốn FDI có thể chịu những biến động của môi trường thương mại quốc tế.

Với những diễn biến tích cực trong đàm phán thương mại với Mỹ gần đây, UOB điều chỉnh dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5% (so với mức tăng 23% trong năm 2024), thay vì giảm 20% như ước tính trước đó sau tuyên bố vào ngày 2/4 của Mỹ.

Với các thị trường ngoài Mỹ, UOB kỳ vọng, xuất khẩu sẽ tăng 10%, tương đương mức tăng 11,3% trong năm 2024. Tổng thể, xuất khẩu của đất nước hình chữ S dự kiến sẽ tăng 8,5% trong năm 2025, thấp hơn đáng kể so với mức 14% của năm trước.

Dựa trên các giả định này và sau khi tính đến tác động đối với sản xuất và dòng vốn FDI, UOB ước tính, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu, lên mức 6,9% (so với dự báo trước đó là 6,0%).

Riêng 2 quý cuối năm, UOB dự báo, tăng trưởng GDP các quý ở mức khoảng 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay

Đối với chính sách tiền tệ, UOB cho rằng, kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nói chung có thể đã làm giảm áp lực phải nới lỏng chính sách. Do vậy, ngân hàng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,5%.

(tổng hợp)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngan-hang-singapore-ket-qua-tang-truong-tich-cuc-cua-kinh-te-viet-nam-lam-giam-ap-luc-noi-long-chinh-sach-320322.html