Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa ký hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19 thông qua các cải cách chính sách nhằm tăng cường mức độ bao trùm tài chính và nâng cao khả năng thích ứng với môi trường.
Khoản tín dụng trị giá 221,5 triệu USD sẽ được giải ngân trực tiếp vào ngân sách, với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn 30 năm với thời gian ân hạn là 5 năm. Khoản tín dụng này nhằm khuyến khích cải cách chính sách theo 2 trụ cột.
Trụ cột thứ nhất hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mang tính bao trùm thông qua giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính của các nhóm dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Trụ cột thứ hai góp phần vào việc xanh hóa các chính sách thương mại, thúc đẩy chính phủ điện tử và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái nhanh chóng trong những tháng gần đây để thực hiện những cải cách này. Việc phê duyệt giấy phép triển khai mobile money và mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử ở các tỉnh, thành phố lớn nhất cả nước là những thí dụ điển hình. Tốc độ cải cách dự kiến sẽ được đẩy nhanh, đây là một phần trong gói phục hồi kinh tế dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần tới.
“Trên tinh thần đối tác lâu dài, tin cậy và hiệu quả, chúng tôi tự hào được hỗ trợ Việt Nam vào thời điểm nền kinh tế đang phục hồi sau cú sốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua và khi đại dịch vẫn còn nhiều bất ổn”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết.
Ông Carolyn Turk cũng tin tưởng rằng các hành động chính sách được khoản vay này hỗ trợ sẽ không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi ngắn hạn sau cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn mang lại lợi ích về lâu dài cho Việt Nam.
Khoản tín dụng được cung cấp thông qua Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới, chuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi dành cho các quốc gia có thu nhập thấp.