Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Để đẩy mạnh quá trình tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Thế giới - WB đề nghị Việt Nam cần sớm xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng.

Ngày 23-4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. Báo cáo nhận định, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.

 WB cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, xử lý ngân hàng yếu kém. Ảnh: Minh Trúc

WB cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, xử lý ngân hàng yếu kém. Ảnh: Minh Trúc

Theo WB, sau giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin. Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.

Để đẩy mạnh quá trình tăng trưởng kinh tế, WB cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách tài khóa mở rộng. Cụ thể, tiếp tục duy trì nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh. Chẳng hạn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và logistics, hiện đang trở thành rào cản ngày càng lớn đối với tăng trưởng.

Về chính sách tiền tệ, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn, do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá.

WB cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng.

WB cho rằng, dù Luật về các tổ chức tín dụng đã được cải thiện qua sửa đổi gần đây, nhưng vẫn còn bất cập ở một số nội dung, bao gồm về giám sát hợp nhất các tập đoàn có ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thẩm quyền xử lý các ngân hàng yếu kém và phòng vệ rủi ro pháp lý cho cán bộ giám sát.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-the-gioi-viet-nam-can-som-xu-ly-cac-ngan-hang-yeu-kem-post787050.html