Ngân hàng thứ 11 mua lại trước thời hạn nợ đã bán cho VAMC
Tính đến ngày 30/12, đã có 11 ngân hàng sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoàn tất mua lại nợ xấu từ công ty này, gồm: Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB, Kienlongbank, VPBank, Agribank và SeABank.
VAMC được thành lập với nhiệm vụ chính là mua bán các khoản nợ xấu từ tổ chức tín dụng thông qua trái phiếu đặc biệt. Các khoản trái phiếu đặc biệt này tương đương với khoản nợ xấu, có thời hạn 5 năm và có lãi suất. Các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC sẽ phải xử lý dần bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20% mỗi năm.
Đại diện SeABank chiều 30/12 cho biết: SeABank đã hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC, qua đó giúp ngân hàng chủ động theo dõi và xử lý nợ xấu; đồng thời tăng tính minh bạch trên báo cáo tài chính tạo đà tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo.
Tổng giá trị trái phiếu đặc biệt được SeABank mua lại từ VAMC trong năm 2019 là 3.539 tỷ đồng. Sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt, SeABank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1/1/2020, qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng trong thời gian tới.
Đề cập tới việc mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt từ VAMC có thể làm một phần tỷ lệ nợ xấu bị tăng lên, đại diện SeABank khẳng định: Sẽ luôn kiểm soát chặt chẽ và đảm đảm nợ xấu thấp hơn tỷ lệ qui định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Động thái này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của SeABank, dù trích thêm dự phòng nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Trước đó, VPBank cũng thông báo đã hoàn tất xử lý dư nợ trái phiếu tại VAMC. Tổng giá trị dư nợ trái phiếu được VPBank mua lại từ VAMC riêng trong năm 2019 là hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng chỉ phải trích lập hơn 1.400 tỷ đồng để xử lý số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%. Tỷ lệ này được đánh giá gần như tốt nhất trong số các ngân hàng đã hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC.
Xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu tại VAMC là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của VPBank trong năm 2019, dù điều này được ban lãnh đạo ngân hàng dự báo trước là sẽ có ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận cả năm của ngân hàng. Đây cũng là lý do khiến ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 ở mức khiêm tốn hơn so với các năm trước đó. Kế hoạch xử lý rốt ráo phần trái phiếu đặc biệt này đã đưa tỷ lệ nợ xấu bao gồm dư nợ tại VAMC của VPBank từ mức 5,73% tại quý III/2018 giảm còn 2,84% vào cùng kỳ năm 2019, giúp ngân hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí dự phòng ở hoạt động này trong thời gian tới.
Theo Agribank, thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Agribank triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm dần và luôn thấp hơn mức khống chế của NHNN. Nợ xấu được Agribank kiểm soát có hiệu quả. Đến nay, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu của Agribank đạt gần 110.000 tỷ đồng.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Nếu để nợ xấu đã bán tại VAMC thì ngân hàng vẫn định kỳ phải trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt theo tỷ lệ 20%/năm, hoặc 10%/năm đối với những ngân hàng có tình hình tài chính khó khăn hơn. Đây là áp lực chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó, việc mua lại nợ xấu từ VAMC không chỉ giúp các ngân hàng giảm được áp lực dự phòng rủi ro những năm kế tiếp mà còn có cơ hội hoàn nhập dự phòng đối với các khoản đã trích trước đó khi thu hồi nợ xấu thành công.