Ngân hàng TPBank: Lợi nhuận giảm 10,3%, dự kiến NIM chạm đáy trong nửa đầu năm

Ngân hàng TPBank vừa cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của SSI Research, tỷ lệ NIM của nhà băng này đã chạm đáy trong nửa đầu năm và kỳ vọng phục hồi dần trong nửa cuối năm nay.

Ngân hàng TPBank cho biết lợi nhuận "đi lùi" trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Ngân hàng TPBank cho biết lợi nhuận "đi lùi" trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank, mã cổ phiếu TPB – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Phía ngân hàng cho biết kết quả kinh doanh của ngân hàng đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Điểm sáng là, trong 6 tháng đầu năm nay, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tổng huy động của Ngân hàng TPBank đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ; tổng tài sản đạt gần 3.435 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt mức gần 7%.

Đáng chú ý, Ngân hàng TPBank đang duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III ở mức trên 11% nhờ quản trị chặt chẽ chất lượng tài sản, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong phạm vi an toàn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng cho biết đã chủ động đáp ứng sớm và đầy đủ các chuẩn mực quốc tế khắt khe về chất lượng tài sản.

Nhờ đó, Ngân hàng TPBank sẽ đảm bảo tỷ lệ thanh khoản, đòn bẩy tốt cũng như đủ vốn dự trữ để thích ứng với các biến động của thị trường và nền kinh tế, đại diện ngân hàng cho biết.

Đầu năm nay, bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt 25%, Ngân hàng TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên mức 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 39,19%.

Xem thêm: "Nợ xấu tăng đột biến, cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB) liệu còn hấp dẫn?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo đánh giá của SSI Research, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Ngân hàng TPBank trong năm nay sẽ chỉ đạt 3,73%, giảm đến 30 điểm cơ bản so với năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ NIM của ngân hàng này được kỳ vọng sẽ chạm đáy trong nửa đầu năm và quay lại mức bình thường trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, do lãi suất cho vay có xu hướng giảm và thị trường bất động sản về cơ bản vẫn chưa có nhiều cải thiện, mức phục hồi của NIM của ngân hàng này có thể sẽ không mạnh trong nửa cuối năm nay.

NIM suy yếu kết hợp với áp lực gia tăng dự phòng sẽ khiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TPBank trong năm 2023 có thể chỉ đạt 8.202 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức nền thấp của năm 2022, theo SSI Research.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, giá cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank đạt 18.700 đồng/cổ phiếu; tăng hơn 31% so với thời điểm đầu năm nay.

Quỳnh Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ngan-hang-tpbank-loi-nhuan-giam-103-du-kien-nim-cham-day-trong-nua-dau-nam-107811.htm