Ngân hàng TPBank (TPB): Đã qua giai đoạn khó khăn nhất, lãi ròng quý 4 có thể tăng 25%
Dự kiến nợ xấu của Ngân hàng TPBank (mã cổ phiếu TPB) đã tạo đỉnh trong quý 3/2023 và hoạt động tín dụng sẽ tăng tốc trở lại trong quý 4/2023, giúp lãi ròng quý này có thể tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí dự phòng “bào mòn” lợi nhuận quý 3/2023
Kết thúc quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank, mã cổ phiếu TPB - sàn HoSE) ghi nhận thu nhập lãi 2.963 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất huy động giảm mạnh từ tháng 5/2023 đến nay. Kết hợp với việc ngân hàng này đã cơ cấu lại tài sản sinh lời, gồm: tăng cường cho vay khách hàng cá nhân và liên ngân hàng với mức tăng trưởng lần lượt là 11,8% và 10,4% so với thời điểm đầu năm; đồng thời, giảm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ với mức giảm lần lượt là 26,6% và 13,1% so với hồi đầu năm nay.
Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này đã tăng mạnh 22%, đạt 1.251 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt hiệu quả ấn tượng với hơn 551 tỷ đồng, tăng gấp gần 79 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Do đó, Ngân hàng TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 4.214 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ đã tăng gấp 4 lần, lên tới 1.293 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TPBank đã tăng từ mức 0,84% hồi cuối năm 2022 lên 3% vào cuối quý 3/2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) giảm từ 135% trong năm 2022 xuống còn 47% vào cuối quý 3/2023 - mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Những yếu tố trên đã khiến lãi ròng của ngân hàng này chỉ đạt 1.263 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TPBank ghi nhận 3.969 tỷ đồng lãi ròng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, và hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Tính đến cuối quý 3/2023, tín dụng của Ngân hàng TPBank tăng 7,2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,8%; ngược lại, dư nợ từ trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh 26,6%. Nếu so với quý 2/2023 thì tín dụng của ngân hàng này chỉ tăng 0,4%. Đây cũng là một trong những quý có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của Ngân hàng TPBank.
Đã qua giai đoạn khó khăn nhất, lãi ròng quý 4/2023 có thể tăng 25%
Theo đánh giá mới nhất của MBS Research, Ngân hàng TPBank đã bước qua thời điểm khó khăn nhất trong quý 3/2024. Đỉnh nợ xấu của ngân hàng đã được tạo trong quý vừa qua, và sẽ có xu hướng giảm dần khi nền kinh tế hồi phục, nợ do CIC sẽ giảm, cùng với đó là việc ngân hàng sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu.
Xem thêm: "Ngân hàng Techcombank (TCB): Xuất hiện vài điểm sáng, NIM có thể đã qua đáy" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Hoạt động tín dụng của Ngân hàng TPBank dự kiến sẽ tăng 2,3% trong quý 4/2023, kéo lợi nhuận ròng quý 4/2023 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tín dụng cả năm nay của Ngân hàng TPBank sẽ tăng 9,5% trong bối cảnh cầu tín dụng trên toàn thị trường 9 tháng đầu năm nay ở mức yếu.
MBS Research cũng nhận định, NIM của Ngân hàng TPBank đã tạo đáy trong quý 2/2023 và sẽ được cải thiện trong những quý 4/2023 cũng như trong cả năm 2024. Việc lãi suất huy động hạ sâu sẽ tác động tích cực lên chi phí huy động (CoF) của Ngân hàng TPBank một cách rõ ràng hơn trong năm sau.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 3/11, thị giá cổ phiếu TPB đạt 16.050 đồng/cổ phiếu, tăng gần 18% so với thời điểm đầu năm nay.