Ngân hàng TPBank (TPB): Mục tiêu lãi năm nay tăng 34%, muốn sở hữu công ty tài chính tiêu dùng

Ngân hàng TPBank (mã cổ phiếu TPB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý về kế hoạch kinh doanh năm nay và định hướng sở hữu một công ty tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ năm nay tăng 34% so với năm 2023.

Ngân hàng TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ năm nay tăng 34% so với năm 2023.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank, mã cổ phiếu TPB - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 23/4 tới đây.

Theo đó, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ là 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng; huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, Ngân hàng TPBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu năm nay ở dưới mức 2,5%. Ngân hàng này cũng phấn đấu cán mốc 15 triệu khách hàng trong năm nay.

Ban lãnh đạo Ngân hàng TPBank cho biết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao như trên, ngân hàng sẽ tập trung thực hiện loạt chiến lược kinh doanh như khai thác tệp khách hàng hiện hữu, linh hoạt điều chỉnh chính sách các sản phẩm vay, sản phẩm huy động; xây dựng chính sách khách hàng doanh nghiệp toàn diện; tiếp tục đầu tư lại danh mục trái phiếu chính phủ ở mức lãi suất tốt…

Đồng thời, Ngân hàng TPBank tiếp tục thực hiện số hóa chuyên sâu, tập trung vào việc ứng dụng hiệu quả công nghệ mới hướng tới data driven (ra quyết định dựa trên số liệu) nhằm giữ vững vị thế ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.

Cũng tại Đại hội lần này, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TPBank dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét việc tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu Công ty Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC) nhằm hướng tới việc Ngân hàng TPBank có công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Theo tìm hiểu, HAFIC được được thành lập từ năm 2005 bởi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico). HAFIC sau đó được cổ phần hóa và có thêm các cổ đông khác. Tuy nhiên do hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến thua lỗ hàng trăm tỷ đồng và bị Ngân hàng Nhà nước áp đặt kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.

Trước khi bị kiểm soát công ty có vốn điều lệ 550 tỷ đồng do Handico nắm giữ hơn 12%, số cổ phần còn lại do các thành viên ban lãnh đạo và cổ đông cá nhân khác nắm giữ.

Riêng với Ngân hàng TPBank, kế hoạch mua lại một công ty tài chính đã được cổ đông ngân hàng này thông qua từ năm 2019 nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, lãnh đạo Ngân hàng TPBank cho biết ngân hàng đang tiếp tục đàm phán với đối tác để tham gia cơ cấu tại công ty tài chính dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong năm 2024, Ngân hàng TPBank sẽ hoàn tất việc xây dựng, mở mới đối với 5 chi nhánh, 3 phòng giao dịch trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập mới trong năm 2023, song song với đó là đề xuất kế hoạch phát triển mạng lưới 2024 trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đồng thời, ngân hàng này sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hệ thống mạng lưới LiveBank, hướng tới mục tiêu mở mới 20 điểm trong năm 2024, nâng tổng số điểm LiveBank lên 450-460 điểm trên toàn quốc.

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2023, Ngân hàng TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 5.589 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.463 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn 3.697 tỷ đồng. Ngân hàng này hiện chưa có đề xuất chia cổ tức trong năm nay.

Duy Quang - Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/ngan-hang-tpbank-tpb-muc-tieu-lai-nam-nay-tang-34-muon-so-huu-cong-ty-tai-chinh-tieu-dung-119053.htm