Ngân hàng Trung ương Israel bán 30 tỷ USD dữ trữ ngoại hối
Ngày 9/10, Ngân hàng Trung ương Israel tuyên bố sẽ bán tới 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng nội tệ shekel đang giảm mạnh sau khi lực lượng vũ trang Hamas tấn công hàng loạt mục tiêu trên nước này bằng tên lửa.
Theo CNBC trích dẫn dữ liệu chính thức, đồng shekel của Israel trong phiên giao dịch gần nhất đã giảm 1,63% và được giao dịch ở mức 3,90 so với đồng USD – tương đương với mức yếu nhất trong 7 năm qua.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Israel ngày 9/10 tuyên bố sẽ bán tới 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhằm ổn định đồng shekel. Theo hãng tin Reuters trích dẫn thông báo của cơ quan này, “ngân hàng sẽ hoạt động trên thị trường trong giai đoạn tới nhằm giảm bớt sự biến động của tỷ giá hối đoái shekel và cung cấp thanh khoản cần thiết để thị trường tiếp tục hoạt động bình thường”.
Israel đã tích lũy được dự trữ ngoại hối hơn 200 tỷ USD, phần lớn là từ việc mua ngoại hối kể từ năm 2008 để cố gắng giữ cho đồng shekel không tăng giá quá mức và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu khi dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ của nước này tăng vọt. Lần gần đây nhất Ngân hàng Trung ương Israel can thiệp là vào tháng 1/2022.
Ngoài việc bán 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối, cơ quan này còn có kế hoạch cung cấp thanh khoản cho thị trường thông qua cơ chế SWAP lên tới 15 tỷ USD. Trong tương lai gần, “Ngân hàng Trung ương Israel sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến, theo dõi tất cả các thị trường và hành động bằng các công cụ có sẵn nếu cần thiết”.
Trước đó vào ngày 8/10, chỉ số thị trường chứng khoán TA-35 chuẩn của Israel đóng cửa giảm 6,47%, ghi nhận mức lỗ lớn nhất trong hơn 3 năm tính từ tháng 3/2020. Tuy nhiên sau thông báo của ngân hàng trung ương, chỉ số này nhích lên 0,11% trong giờ giao dịch đầu tiên ngày 9/10.
Trái ngược lại, các thị trường chứng khoán Trung Đông khác đều giảm điểm. Cụ thể, chỉ số EGX 30 của Ai Cập giảm 0,6% trong khi chỉ số Tadawul All Share của Saudi Arabia giảm 0,55%.
Nhận định về tình hình kinh tế quốc gia, CNBC trích dẫn ông Zvi Eckstein, cựu phó thống đốc Ngân hàng Israel, cho biết: “Đồng tiền của Israel sẽ mất giá một chút vì cả người Israel và người nước ngoài sẽ giảm tiếp xúc với Israel khi rủi ro đối với nền kinh tế Israel tăng lên”.
Tuy nhiên, ông khẳng định: “Nền kinh tế Israel rất mạnh mẽ. Trừ phi có một cuộc tấn công vật lý của Iran, rất có khả năng Israel sẽ trở lại hoạt động kinh tế đầy đủ trong vòng một hoặc hai tuần”.
Cuộc xung đột giữa quân đội Israel và Hamas - lực lượng vũ trang kiểm soát Dải Gaza nổ ra vào sáng 7/10 (giờ địa phương), sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công tên lửa bất ngờ vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel. Các tay súng Hamas cũng đổ bộ vào nhiều thị trấn và khu dân cư Israel bằng đường bộ, đường biển và dù lượn trên không. Quân đội Israel ngay sau đó đã tiến hành các cuộc không kích nhằm đáp trả Hamas tại Dải Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đặt nước này trong tình trạng chiến tranh, đồng thời cảnh báo nước này sẽ đặt mục tiêu đáp trả mạnh mẽ nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas.
Trong khi đó, ông Mohammad Deif, chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang Hamas kiểm soát Dải Gaza, tuyên bố phát động "cuộc chiến lớn nhất nhằm chấm dứt chế độ chiếm đóng" do Israel áp đặt tại Palestine. Lãnh đạo Hamas tuyên bố đây là chiến dịch đáp trả lại "những cuộc tấn công ngày càng leo thang" của Israel nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây và Jerusalem.
Tính đến hết ngày 8/10, số người thiệt mạng sau 2 ngày giao tranh đã lên tới 1.100 người, bao gồm ít nhất hơn 700 người Israel và hơn 400 người Palestine.