Ngân hàng Việt và cuộc đua lấn sân chứng khoán, bảo hiểm

Nhiều ngân hàng Việt mạnh tay đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, thể hiện tham vọng xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện, đa dạng hóa nguồn thu.

Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam không còn giới hạn hoạt động trong lĩnh vực tín dụng truyền thống mà đang tích cực mở rộng "sân chơi" sang các mảng dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm và chứng khoán.

Điều này không chỉ nhằm đa dạng hóa nguồn thu, tận dụng hệ sinh thái khách hàng sẵn có mà còn thể hiện chiến lược dài hạn của các ngân hàng trong việc gia tăng sức mạnh tài chính toàn diện và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mở rộng ảnh hưởng qua kênh chứng khoán

Với lĩnh vực chứng khoán, loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch thành lập hoặc thâu tóm công ty chứng khoán để biến các đơn vị này thành công ty con.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) mới đây đã công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025, trong đó đề xuất kế hoạch góp vốn, mua cổ phần để thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết trong nước.

Mục tiêu là hiện thực hóa chiến lược phát triển giai đoạn 2025 – 2030, thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh. Các lĩnh vực PGBank nhắm đến gồm: bảo lãnh phát hành, môi giới chứng khoán; quản lý quỹ, phân phối chứng chỉ quỹ; quản lý danh mục đầu tư và kinh doanh cổ phiếu; cùng lĩnh vực bảo hiểm.

Nhiều ngân hàng muốn lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán.

Nhiều ngân hàng muốn lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán.

Đối tượng có thể là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc công ty bảo hiểm. Giá trị giao dịch dự kiến từ 20% vốn điều lệ trở lên hoặc mức khác theo quy định, miễn đảm bảo đơn vị đầu tư trở thành công ty con hoặc liên kết. Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng dự kiến mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN ("Asean Securities") để công ty này trở thành công ty con của ngân hàng.

Công ty cổ phần chứng khoán ASEAN thành lập năm 2006. Lĩnh vực hoạt động bao gồm môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán… Vốn điều hiện tại của công ty là 1.500 tỷ đồng.

SeABank dự kiến sẽ mua cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. SeABank cho biết việc mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm dịch vụ, bán chéo sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối cho các nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, đa dạng hóa hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng hóa doanh thu và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.

Tương tự, năm nay, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) dự định góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, quản lý quỹ để trở thành công ty con do MSB xác định lĩnh vực chứng khoán ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển của tương lai.

Ngoài ra, việc sở hữu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ giúp ngân hàng tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, hưởng lợi từ sự phát triển dài hạn của thị trường.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, ngân hàng kế hoạch và đã xúc tiến với một số công ty chứng khoán nhằm phát triển chiến lược về thu phí khách hàng cá nhân ngân hàng.

"Chúng tôi mong muốn tiếp cận với các công ty có bảng tài sản sạch sẽ, có mức vốn điều lệ từ 300 - 500 tỷ đồng, sau đó sẽ có lộ trình tăng vốn để phát triển và hỗ trợ cho mảng wealth management của MSB", ông Linh thông tin.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng có phương án góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán. Ngân hàng chỉ ra hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và tại Việt Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán.

Với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh, ngân hàng muốn góp vốn/mua cổ phần của công ty chứng khoán để trở thành công ty con với tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ/cổ phần tại công ty chứng khoán là 50% và tổng giá trị đầu tư tối đa là 1.500 tỷ đồng.

Nắm bắt được lợi ích từ thị trường chứng khoán, nhiều ngân hàng cũng đã thành lập hoặc sở hữu công ty chứng khoán từ sớm, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển hệ sinh thái tài chính khép kín.

Chẳng hạn, Vietcombank có Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS); Ngân hàng Á Châu (ACB) sở hữu Công ty Chứng khoán ACB (ACBS); Techcombank có Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có Công ty Chứng khoán MB (MBS)…

Làm chủ "cuộc chơi" bảo hiểm

Song song với chứng khoán, bảo hiểm cũng đang trở thành lĩnh vực được nhiều ngân hàng chú trọng đầu tư nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính. Thay vì chỉ dừng lại ở vai trò phân phối sản phẩm bảo hiểm thông qua mô hình bancassurance, nhiều ngân hàng giờ đây chọn tự thành lập công ty bảo hiểm để làm chủ cuộc chơi.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) năm 2025 lên kế hoạch triển khai phương án góp vốn, mua cổ phần để thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife).

Theo đó, Techcombank dự kiến TCLife có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Techcombank sẽ tham gia góp vốn 1.040 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu cổ phần là 80%.

Techcombank muốn tăng sở hữu tại CTCP Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns).

Techcombank muốn tăng sở hữu tại CTCP Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns).

Trước đó, Techcombank cũng đã đóng góp 11% (55 tỷ đồng) để lập CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns), có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi thêm 285 tỷ đồng để mua lại 57% vốn của TCGIns từ cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và phát triển NewCo. Qua đó tăng tỉ lệ sở hữu của nhà băng này tại TCGIns từ 11% lên 68%, trở thành công ty mẹ.

Techcombank cho biết, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Cơ cấu dân số vàng, với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động, tỉ lệ dân số đang được bảo vệ bởi hợp đồng BHNT là tương đối thấp (1,2% GDP).

Đồng thời, kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tăng trưởng GDP năm 2024 đạt khoảng 7,09 % và tăng trưởng GDP năm 2025 dự báo đạt 8%. Thu nhập hộ gia đình cũng tăng trưởng, đặc biệt với nhóm có thu nhập từ 500 USD trở lên. Tỉ lệ phí BHNT trên GDP thấp so với các quốc gia đang phát triển (1,2% so với 2,9%), và dự báo đạt 1,5% vào năm 2030.

Trước đó, cuối năm 2024, Techcombank và Manulife Việt Nam chính thức dừng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng. Với việc chấm dứt sớm 8 năm hợp đồng có kỳ hạn 15 năm, Techcombank chấp nhận trả cho đối tác 1.800 tỷ đồng.

Năm nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng dự kiến thành lập công ty con về bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là mảnh ghép không thể thiếu của tập đoàn tài chính.

Nếu chỉ thông qua kênh phân phối hợp tác với đối tác khác, ngân hàng sẽ bị động về sản phẩm, không năm được mô hình kinh doanh cũng như không chủ động lựa chọn, chăm sóc được khách hàng. Chính vì vậy, ngân hàng muốn chủ động trong mô hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ gắn chặt với ngân hàng.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam đã và đang sở hữu cổ phần chi phối tại các công ty bảo hiểm. Agribank hiện nắm giữ hơn 52% tại Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC); MB sở hữu 68,37% tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC); BIDV là cổ đông lớn của BIC, đồng thời thành lập liên doanh BIDV MetLife. VietinBank cũng sáng lập Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) từ nguồn vốn nội bộ.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngan-hang-viet-va-cuoc-dua-lan-san-chung-khoan-bao-hiem-204250718161804572.htm