Ngăn ma túy tấn công học đường

Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có trên 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trên 60% số người sử dụng chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa đặt ra không ít thách thức cho công tác phòng, chống ma túy cũng như cai nghiện, nhất là khi ma túy thế hệ mới đã và đang xâm nhập rất nghiêm trọng vào học đường.

Theo các nhà quản lý, một bộ phận giới trẻ đang coi việc sử dụng ma túy thế hệ mới là cách để khẳng định bản thân, thể hiện là “dân chơi” sành điệu. Giới trẻ còn khá mơ hồ, ngộ nhận về hậu quả, tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện. Bởi, pháp luật hiện hành không quy định về xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, cùng với thông tin một số quốc gia hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, dẫn đến nhiều bạn trẻ nhận thức sai lệch khi cho rằng sử dụng các chất kích thích sẽ không bị nghiện và không bị xử lý trước pháp luật.

Thế nên, tội phạm về ma túy đang hướng vào giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng để lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma túy. Để xâm nhập vào học đường, các đối tượng thường xuyên tìm ra những cách thức mới để tiếp cận, thu hút nhiều người dùng thông qua những tụ điểm ăn chơi và từ chính học sinh, sinh viên.

Trong khi đó, xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp có thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới, được pha trộn, ngụy trang dưới dạng thực phẩm, đồ uống như: “nước vui”, nước xoài, nước dâu, trà sữa, thuốc lá điện tử… Các sản phẩm có chứa ma túy này hình thức, màu sắc, mùi vị không khác gì đồ uống thông thường, nên rất khó phát hiện và được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Kết quả giám định một số sản phẩm ma túy trá hình được giới trẻ ưu chuộng có chứa chất MDMA, Methamphetamine, Ketamin, Nimetazepam thuộc danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy. Nhưng đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ cho rằng các loại ma túy mới không gây nghiện.

Tuy nhiên, đây là quan điểm rất sai lầm. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, dẫn đến tình trạng ảo giác, hoang tưởng, loạn thần. Đặc biệt, học sinh, sinh viên sử dụng ma túy dưới bất cứ hình thức nào sẽ không còn hứng thú với việc học tập, rèn luyện, dễ sa vào các tệ nạn xã hội và nguy cơ tự thương, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác.

Khi đã lệ thuộc ma túy, người nghiện sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma túy như trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt..., kể cả cướp của, giết người. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đã tham gia vào việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, vận chuyển thuê, bán thuê ma túy, đồng thời lôi kéo người khác tham gia vào tệ nạn ma túy.

Để phòng ngừa ma túy xâm nhập vào trường học, cùng với các biện pháp đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, trước hết, phụ huynh, học sinh và nhà trường phải thường xuyên cập nhật thông tin về các loại ma túy, tác hại của ma túy, nhất là thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để nâng cao cảnh giác, phòng chống tệ nạn ma túy.

Các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, bài trừ tệ nạn ma túy, đồng thời phối hợp với gia đình kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt và các mối quan hệ của học sinh, khi phát hiện các biểu hiện bất thường cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn từ sớm, từ xa.

Thiết nghĩ, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên là tài sản vô giá của đất nước, cần được nỗ lực bảo vệ để ma túy không thể can dự và hủy hoại tương lai. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục tạo lớp phòng vệ chắc chắn để ma túy và các sản phẩm độc hại không đủ khả năng xâm nhập vào môi trường học đường và cộng đồng học sinh, sinh viên.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngan-ma-tuy-tan-cong-hoc-duong-post460558.html