Ngân mãi tiếng cồng chiêng xứ Mường

Ở tuổi 78, sức đã yếu, trí nhớ cũng giảm nhiều, nhưng tình yêu và lòng đam mê với cồng chiêng của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng ở thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) vẫn như thuở đôi mươi. Bao năm qua, ông vẫn luôn nặng lòng, trăn trở và nỗ lực truyền dạy cho những người trẻ, để tiếng cồng chiêng ngân vang mãi giữa đất trời.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vượng và "học trò" Phạm Thị Hòa. Ảnh: Vân Anh

Đối với người Mường ở Thanh Hóa, cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động tín ngưỡng, tinh thần của con người. Đầu năm mới cồng chiêng theo các phường sắc bùa, mang may mắn đến tận cửa mỗi nhà. Cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới. Cồng chiêng tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma. Khi kéo gỗ làm nhà, trong các cuộc đi săn, cồng chiêng tạo nên sức mạnh đoàn kết, cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chung vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no... Và thanh âm ấy luôn là thứ được cất lên đầu tiên của mỗi nghi lễ.

Theo lẽ ấy, không có gì ngạc nhiên khi cậu bé Phạm Vũ Vượng biết đánh cồng chiêng từ khi lên 7, đến khi 10 tuổi đã sử dụng thành thạo. Tiếng cồng chiêng gắn bó với gia đình ông Vượng ít nhất đã 5 đời. Mọi thành viên trong nhà ông ai cũng xem việc biết đánh cồng là điều tất yếu, như một đứa trẻ sinh ra phải được đặt tên. Khi trưởng thành, ông Vượng càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của cồng chiêng trong đời sống của người Mường. Đó là âm thanh kết nối với thần linh, là tiếng lòng của con người gửi trao nhau, là báu vật của người dân xứ Mường.

Tình yêu và lòng đam mê với cồng chiêng khiến ông thường xuyên có những chuyến đi dài ngày đến các nơi có cộng đồng dân tộc Mường sinh sống để tìm hiểu những câu chuyện, đọc những ghi chép và nghe già làng, trưởng bản nói về cồng chiêng và giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường. Thời đó, dành dụm mãi ông Vượng mua được một chiếc máy ghi âm, mục đích là ghi lại tất cả mọi thanh âm trong các chuyến đi. Ông Vượng cho biết: “Khát khao tìm hiểu văn hóa Mường khiến đôi chân tôi đi không biết mỏi, hành lý tôi mang theo chỉ mấy đùm cơm nắm cùng chiếc máy ghi âm”. Cứ vậy, khi chiếc máy ghi âm đã đầy cũng là lúc chuyến đi kết thúc, trở về ông nghe đi nghe lại những điều mình đã thu thập, rồi hai vợ chồng cẩn thận chép vào sổ.

Theo những chuyến đi, kiến thức về văn hóa Mường, nhất là văn hóa cồng chiêng ngày một nhiều, sổ ghi chép thêm dày hơn, ông có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cồng chiêng người Mường nói riêng và văn hóa Mường nói chung. Đến nay, gia đình ông đã có hàng chục cuốn sổ ghi chép bằng tay về văn hóa Mường. Đây thực sự là kho tư liệu quý giá mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng có lần ghé qua để tham khảo.

Theo tâm sự của ông Vượng, có được nguồn tài liệu quý giá này, người đầu tiên ông muốn cảm ơn là bà Bùi Thị Thoa, vợ ông. Với trí nhớ tuyệt vời, chỉ cần nghe bản ghi âm vài lần là bà nhớ toàn bộ, từ đó có những ghi chép mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu về từng phần, mục.

Năm 2005 ông đề nghị với chính quyền địa phương thành lập câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng thôn Quang Thuận (khi ấy chưa sáp nhập thôn) với nòng cốt là những người cao niên, có uy tín trong làng, ban đầu là 12 thành viên.

Từ đó, ông đến từng nhà vận động con cháu học đánh cồng chiêng, nhất là lứa tuổi học sinh. Ông tâm sự: “Dạy trẻ nhỏ đánh cồng chiêng đúng âm, đúng nhịp vất vả hơn rất nhiều so với dạy người lớn. Người dạy phải chỉnh sửa, uốn nắn từng động tác, từ cách cầm dùi, phong thái biểu diễn đến mỗi bước chân nhún nhảy hòa với âm thanh cồng chiêng một cách nhịp nhàng”. Có thể vì nhiệt huyết của ông, cũng có thể vì tiếng cồng chiêng lay động tâm hồn mà người tìm đến lớp học của ông Vượng ngày một đông, ở nhiều lứa tuổi từ trẻ em đến trung niên. Cứ thế, âm vang tiếng cồng trong các lớp dạy của ông ngân mãi, vang xa đến tận bản Mường ở khắp nơi trong tỉnh, thúc giục và lôi kéo người Mường giữ gìn truyền thống cha ông, giữ tiếng cồng, giữ lấy báu vật của người Mường.

Nhiều người yêu nghệ thuật dân gian truyền thống đã tìm đến ông Vượng. Bà Phạm Thị Hòa là người dân tộc Kinh, lấy chồng và sinh sống tại khu phố Tran (thị trấn Ngọc Lặc) là một người yêu và thích cồng chiêng đã tìm đến nhờ “thầy” Vượng truyền dạy, chỉ sau thời gian ngắn đã có thể đánh tiếng cồng âm vang, đúng nhịp, trở thành đồng nghiệp với thầy cùng đi lưu diễn khắp nơi. Bà Hòa cho biết: “Tôi học ở thầy không chỉ là kỹ thuật đánh cồng chiêng mà còn là trách nhiệm và đam mê với văn hóa dân tộc. Những buổi dạy cồng, thầy luôn cho tôi thấy sự tận tâm và nhiệt huyết”.

Cuộc sống của ông Phạm Vũ Vượng có phần thanh thản, an nhiên là nhờ có thêm nhiều người tìm học, nhiều người biết đánh cồng chiêng và mang trong mình trách nhiệm giữ gìn văn hóa Mường. Năm 2019 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian.

Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/ngan-mai-tieng-cong-chieng-xu-muong/175145.htm