Ngăn mẹ chồng cuồng cúng bái đầu năm, con dâu 'ù tai' nghe lời nhiếc móc
Mùng 4 Tết, tôi đã ù tai khi cãi nhau với mẹ chồng về việc cúng bái. Không biết đến bao giờ, nhà tôi mới hết phải chịu đựng chuyện này.
Mỗi dịp đầu năm mới, nhiều người lại bận rộn cúng bái với hy vọng có thể giải trừ hạn ách, đón nhận may mắn, tài lộc. Không ít người vì quá cuồng tín mà rơi vào cảnh trầm mê, hao tốn tiền của, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của bản thân và cả gia đình.
VietNamNet mở diễn đàn Cầu cúng đầu năm: Giữ tín ngưỡng, tránh mê tín để độc giả cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Bài viết liên quan gửi về địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn
Tôi đã làm dâu tròn 10 năm. 10 năm qua, tôi sống chung với mùi nhang khói vì mẹ chồng tôi là một người cuồng tín.
Bố chồng tôi mất năm 2017 do bệnh ung thư dạ dày. Kể từ ngày đó, mẹ chồng tôi càng mải mê cúng bái. Bà bảo, mỗi người trong đời đều có căn số, tội nợ, bố chồng tôi mất sớm cũng vì phải trả nợ đời.
Những ai muốn món nợ kiếp trước hoặc nợ của kiếp này giảm bớt thì chỉ còn cách siêng cúng bái tổ tiên, thần linh.
![Ảnh minh họa: Thạch Thảo](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_23_51429118/c46547057d4b9415cd5a.jpg)
Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Thời điểm bà cúng bái nhiều nhất là vào đầu năm. Năm nào cũng vậy, từ mùng 4 Tết trở đi, nhà tôi ngập trong hương khói. Bà cúng khai xuân, cúng giải hạn, cúng xin tuổi thọ cho bà và lộc lá làm ăn cho vợ chồng tôi...
Năm nào đi xem bói đầu năm, chẳng may thầy bói phán nhà có hạn gì đó, bà lại càng cúng nhiều hơn. Cúng ở nhà chưa đủ, bà còn làm mâm cao cỗ đầy để cúng ở đền, chùa,...
Thế nhưng, vụ cúng bái khiến tôi choáng nhất chính là lễ giải hạn đầu năm. Năm nào đi xem bói về, bà cũng bảo nhà tôi có hạn. Có năm thì hạn đau ốm, có năm lại hạn tiền nong, cũng có khi là hạn mâu thuẫn mẹ con, vợ chồng...
Mỗi lễ cúng, bà đều sắm vàng mã, chất đầy một gian phòng. Nào là tiền vàng, quần áo, nào mũ mão, xe cộ và 2 con ngựa giấy to bổ chảng. Cúng xong là hóa, khói bay mù mịt... Mỗi lễ cúng như vậy tốn 20-30 triệu đồng.
Nhà chồng không phải giàu có. Vợ chồng tôi thu nhập cũng bình thường. Mấy năm nay, tôi bán hàng online thêm nên mới có đồng ra đồng vào, tích lũy được ít tiền. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đủ tiền để cải tạo căn nhà cũ kỹ.
Ấy vậy mà mỗi dịp đầu năm, sau khi chi một khoản to cho Tết, vợ chồng tôi lại phải đưa tiền cho mẹ chồng làm hết lễ nọ đến lễ kia, cúng hết nơi này sang nơi khác. Nhìn đống vàng mã bị đốt thành tro, lòng tôi như bị xát muối.
Tôi nhiều lần nói bóng nói gió với mẹ chồng. Bà làm lơ như không nghe thấy gì. Tôi nói với chồng, anh ấy lại bảo “mẹ làm vậy là tốt cho cả gia đình. Thôi, cứ xem như đó là khoản mua may mắn, sức khỏe”.
Sức khỏe nào, may mắn nào được mua bằng cách cúng bái như thế?
Mùng 4 Tết vừa rồi, tôi lại nghe mẹ chồng nói về việc cúng giải hạn, cúng khai xuân... Lần này, bà còn muốn mời cả thầy về nhà cúng. Họ đã ghi ra một danh sách dài những đồ cần chuẩn bị, toàn thứ giời ơi đất hỡi.
Tôi không chịu được nữa, kịch liệt phản đối. Tôi bảo mẹ chồng muốn cúng gì cũng được nhưng chỉ làm một mâm cơm. Riêng vàng mã thì cắt hẳn, tránh lãng phí.
Mẹ chồng tôi dĩ nhiên không chịu. Bà mắng tôi là vô thần vô thánh, quay lưng với thần linh thì sớm ngày chịu báo ứng, kéo theo cả họ tộc lụi tàn.
Những lời nhiếc móc của bà khiến tai tôi ù đi nhưng tôi nhất quyết không chiều theo ý bà, không đưa cho bà tiền để chuẩn bị lễ cúng.
Kinh tế, tài chính trong nhà do một tay tôi nắm. Trước đây, phần vì nể chồng, phần vì muốn gia đình êm ấm, tôi mới chiều theo ý bà. Năm nay, dù có bị mẹ chồng nguyền rủa, tôi cũng không thuận theo mấy trò cúng bái này.