Không có sự gia tăng đột biến ca bệnh cúm
Trong nước hiện không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây, với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Trước thực tế ghi nhận các ca nhiễm cúm nặng nhập viện, chiều nay 8/2, Bộ Y tế cho biết, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.
Các tác nhân chủ yếu gây bệnh cúm tại Việt Nam hiện là các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. "Chưa ghi nhận sự biến đổi nào về độc lực của virus cúm", một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết.
Hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông, xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban.
Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Cúm A còn được gọi là cúm mùa. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các loại virus cúm A gây ra. Các chủng virus cúm A phổ biến như A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9. Đặc biệt, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường tồn tại trong gia cầm và có khả năng lây lan sang con người, từ đó dẫn đến dịch bệnh.
Theo đánh giá của TS.Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc Chuyên môn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, tuy rằng đa phần các trường hợp bị nhiễm cúm A thường diễn biến khá nhẹ, tuy nhiên cũng sẽ có những tình huống đặc biệt nguy hiểm, thậm chí là gây ra tử vong.
“Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng”, chuyên gia cho biết thêm.
Cúm A sẽ gây ra biến chứng điển hình như viêm phổi. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở các nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như trẻ em, người trên 65 tuổi, hay người có bệnh mạn tính như suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan…
Ngoài ra, cúm A còn có khả năng gây viêm bội nhiễm (viêm tai giữa, viêm mũi xoang mủ), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm nấm huyết.
Đối với phụ nữ mang thai, mắc cúm A sẽ dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng và suy thai, sảy thai, thai chết lưu, đẻ non…
Thời điểm hiện nay, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, trong đó có bệnh cúm. Thực tế cho thấy, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng đó là bệnh nhẹ nên không đi khám.
Thậm chí, nhiều người còn có thói quen “tự làm bác sỹ”, mua thuốc về điều trị. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.
Bác sỹ Cương nhấn mạnh, dù cúm mùa thường được xem là bệnh nhẹ, nhưng nếu xuất hiện hai dấu hiệu sau, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức: Suy hô hấp (thở nhanh, thở nông, khó thở, co kéo cơ hô hấp, tím tái); spO2 giảm dưới 93% (chỉ số bão hòa oxy trong máu thấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp).
Bên cạnh đó, những người có bệnh nền như hen phế quản, COPD, tiểu đường, bệnh tim mạch có nguy cơ biến chứng cao hơn và cần đặc biệt theo dõi sát sao.
Ngoài ra, chuyên gia đưa ra khuyến cáo về những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả người dân cần áp dụng như tiêm phòng vắc-xin cúm, tuân thủ các thói quen vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây…
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm, người dân hãy chủ động thực hiện thăm khám để phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả.
Bộ Y tế hôm nay có công văn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi.
Chỉ đạo việc đảm bảo kinh phí và huy động sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh sởi; tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát.
Chú trọng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp... đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-co-su-gia-tang-dot-bien-ca-benh-cum-d244887.html