Trị cảm lạnh bằng Đông y

Những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp, trời rét đậm rất dễ khiến tình trạng cảm lạnh xảy ra nếu cơ thể không được giữ ấm. Một số biện pháp không dùng thuốc có thể giúp khắc phục tình trạng này.

Cảm lạnh là bệnh lý thường gặp khi trời chuyển lạnh và có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản… nếu không được điều trị kịp thời. Cảm lạnh thường có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, sổ mũi, ngạt mũi, đau đầu, đau cơ…

Dưới đây là một số phương pháp trị cảm lạnh dễ dàng áp dụng tại nhà:

1. Xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ trị cảm lạnh

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị bệnh độc đáo của Đông y. Người mắc cảm lạnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, vì vậy việc xoa bóp nhẹ nhàng toàn thân là rất tốt giúp người cảm lạnh dễ chịu hơn. Bên cạnh đó việc day ấn một số huyệt vị cũng là phương pháp giúp hỗ trợ điều trị cảm lạnh. Một số huyệt có thể sử dụng như:

Hợp cốc: Giúp hạ sốt, giảm đau đầu.
Phong trì: Giảm các triệu chứng đau mỏi gáy, nghẹt mũi.
Liệt khuyết: Hỗ trợ trị ho, viêm họng.
Dũng tuyền: Làm ấm cơ thể, giảm cảm lạnh.

Cách xác định huyệt hợp cốc trên bàn tay giúp hạ sốt, giảm đau đầu do cảm lạnh.

Cách xác định huyệt hợp cốc trên bàn tay giúp hạ sốt, giảm đau đầu do cảm lạnh.

2. Dùng thảo dược

Đông y có rất nhiều vị thuốc, bài thuốc giúp điều trị cảm lạnh. Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều loại thảo dược đơn giản vừa hiệu quả vừa an toàn. Một số loại thảo dược thường dùng có thể kể đến như tía tô, kinh giới, gừng, hành…

- Tía tô có thể điều trị các chứng cảm do phong hàn gây ra, đây đồng thời cũng là một vị thuốc giúp làm ra mồ hôi, giải cảm trong nhiều bài thuốc cổ phương. Bên cạnh đó, tía tô còn có hiệu quả trong việc điều trị ho và các vấn đề về hô hấp.

- Kinh giới là một vị thuốc thường dùng để điều trị ngoại phong trong Đông y. Theo các nghiên cứu hiện đại, tinh dầu chiết xuất từ kinh giới có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa. Theo Đông y, kinh giới có vị cay, tính ấm, quy kinh can, phế, có tác dụng giải biểu, tán phong, thường xuyên được sử dụng với tác dụng giảm sốt, giảm đau đầu, điều trị cảm lạnh do phong hàn.

- Gừng còn được gọi với tên gọi sinh khương, có khả năng tán hàn, giải biểu, làm ấm cơ thể, đặc biệt hiệu quả trong điều trị các chứng cảm lạnh. Để điều trị cảm lạnh, gừng có thể được sử dụng như một vị thuốc kết hợp trong các bài thuốc, làm trà hoặc cho thêm vào các món ăn như cháo, canh…

- Hành còn gọi là thông bạch, vì thân rỗng có hình tượng giống với các lỗ chân lông, có vị cay, tính ấm nên là vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc phát hãn, giải cảm của Đông y. Cũng giống như gừng, hành ngoài cách sử dụng cho vào các bài thuốc còn có thể sử dụng dưới dạng hãm nước hoặc cho vào các món ăn.

Cháo hành, tía tô có tác dụng giải cảm tốt.

Cháo hành, tía tô có tác dụng giải cảm tốt.

3. Xông giải cảm

Xông giải cảm là phương pháp thường xuyên được sử dụng trong điều trị cảm lạnh. Nguyên liệu thường dùng là các loại thảo dược như tía tô, kinh giới, bạc hà, sả, gừng… Sau khi nấu nước, người cảm lạnh trùm chăn kín và xông từ 10-15 phút, sao cho mồ hôi ra dâm dấp là được.

Lưu ý không nên để mồ hôi ra quá nhiều dễ khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi. Sau khi ra mồ hôi cần lau khô, giữ ấm cơ thể và tránh gió lùa. Sau khi xông xong cũng có thể ăn thêm một bát cháo hành, tía tô để tăng thêm tác dụng giải cảm.

4. Cạo gió

Cạo gió là phương pháp dân gian độc đáo để hỗ trợ điều trị cảm lạnh. Cạo gió giúp đả thông kinh lạc, kích thích khí huyết lưu thông, loại bỏ hàn khí, giảm nhanh các triệu chứng của cảm lạnh như đau đầu, đau mỏi cơ thể, nghẹt mũi, sốt… Có thể cạo gió bằng bạc với dầu gió, dầu tràm, rượu gừng, lòng trắng trứng gà…

Lưu ý không nên cạo quá mạnh, tránh gây tổn thương da và cần giữ ấm cơ thể sau khi cạo gió, tránh gió lùa hoặc nước lạnh; không cạo gió cho người có da nhạy cảm, người sốt cao hoặc có bệnh lý về tim mạch, da liễu.

5. Giác hơi

Giác hơi là phương pháp giúp đẩy lùi hàn khí, làm ấm cơ thể, giảm đau mỏi cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu, rất hiệu quả trong điều trị cảm lạnh; có thể dùng các loại cốc hút chân không, cốc thủy tinh để tạo áp lực trong giác hơi; nên sử dụng thêm một số loại dầu thoa như dầu gió, dầu tràm, rượu gừng để tăng thêm tác dụng của phương pháp này.

Bên cạnh các phương pháp kể trên, Đông y còn có những phương pháp hiệu quả khác nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, người thực hiện cần có chuyên môn như châm cứu, cứu ngải…

Đông y cũng cho rằng phòng bệnh là phương pháp điều trị tốt nhất, chính vì vậy giữ ấm cơ thể, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, giữ sức khỏe tốt chính là phương pháp tối ưu giúp phòng tránh cảm lạnh.

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tri-cam-lanh-bang-dong-y-169250208132333554.htm