Ngăn mối nguy từ xe gắn máy 'độ, chế'
Xe gắn máy dưới 50cc 'độ, chế' xi-lanh, nâng công suất lên 70cc, thậm chí 100cc làm gia tăng vận tốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro với lứa tuổi học sinh.
"Độ, chế" ngay tại cửa hàng
Mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Quản lý thị trường khám xét ô tô tải BKS 89H-009.06, phát hiện 70 chiếc xe gắn máy nhãn hiệu Bosscity S50-P và Bosscity S50 của Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam.
Loạt xe gắn máy của Công ty LIFAN - Việt Nam bị bắt giữ do thay đổi dung tích xi-lanh không phù hợp với giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe được Cục Đăng kiểm VN cấp.
Dù phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng thể hiện dung tích làm việc của xi-lanh động cơ là 49,5cm3, nhưng khi Cục Đăng kiểm VN giám định theo đề nghị của cơ quan công an, kết quả cho thấy số xe này đều có dung tích cao hơn 50cm3. Công ty LIFAN - Việt Nam đã tự ý thay đổi dung tích xi-lanh, không phù hợp với giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại đã được Cục Đăng kiểm VN cấp.
Tại Hà Nội, lực lượng chức năng cũng từng phát hiện 18 chiếc xe gắn máy kiểu dáng Supe Cub, Wave, Vespa… của cửa hàng Thế giới xe điện ở đường Tôn Đức Thắng lắp máy 70cc dù phiếu xuất xưởng ghi xe dưới 50cc.
Khảo sát của PV Báo Giao thông, tình trạng các xe dưới 50cc "độ" động cơ lên 70cc, 100cc không hiếm, thậm chí còn được thực hiện ở ngay các cửa hàng sửa chữa xe máy.
Tại một cửa hàng sửa xe trên đường Giảng Võ (Hà Nội), chủ cửa hàng cho biết, có thể "độ" xe Cub dưới 50cc lên 70cc bằng cách hạ máy, khoan nòng (khoảng dung tích chứa xi-lanh động cơ – PV) rộng ra, sau đó nâng cấp xi-lanh lên để đạt được 70cc và đóng nòng lại.
Ngoài ra, do chế của xe dưới 50cc đang sử dụng cổ hút nhỏ nên sẽ phải thay cổ hút lên chế của xe 70cc. Chi phí khoảng 2 triệu đồng và mất 1 ngày để thực hiện.
"Việc "độ" xe không làm thay đổi số máy và đầu nòng vẫn đóng số 49 để qua mặt lực lượng chức năng. Chỉ khi tháo máy ra mới phát hiện được động cơ đã lên dung tích xi-lanh, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường không thể biết được", người này cho biết thêm.
Lực lượng chức năng không dễ kiểm tra
Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định, xe dưới 50cc được gọi là xe gắn máy, tốc độ tối đa không quá 40km/h. Tuy nhiên khi thay xi-lanh, "độ" dung tích 70cc trở lên sẽ làm thay đổi đặc tính động cơ, vận tốc xe có thể đạt tới 70km/h. Khi vặn ga, xe cũng gia tốc nhanh hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn, nhất là đối với lứa tuổi học sinh vốn thiếu kỹ năng lái xe.
Việc sử dụng xe gắn máy dưới 50cc "độ" xi-lanh nâng công suất tiềm ẩn nhiều rủi ro mất ATGT.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện học sinh là đối tượng sử dụng phổ biến xe gắn máy dưới 50cc. Lý do loại xe này không cần GPLX, tốc độ di chuyển, gia tốc chậm. Tuy nhiên, khi xe được "độ" lên 70cc, 100cc sẽ trở thành xe mô tô. Lúc này, người điều khiển buộc phải có GPLX, có kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, học sinh là lứa tuổi nhận thức về ATGT còn hạn chế. Vì thế, việc điều khiển xe có tốc độ trên 50km/h rất nguy hiểm. Thực tế đã xảy ra không ít vụ TNGT thương tâm.
Tuy nhiên, để xác định xe gắn máy dưới 50cc "độ" dung tích xi-lanh không dễ và mất nhiều thời gian. Theo quy trình, CSGT làm nhiệm vụ trên đường sẽ dừng các phương tiện có dấu hiệu nghi ngờ.
Dựa trên mã động cơ của xe, cảnh sát sẽ xác minh nhanh qua tra cứu cơ sở dữ liệu phương tiện của ngành công an; Thực hiện tháo máy, giám định để xác định dung tích thực tế, từ đó mới có đủ căn cứ để xử lý nếu có vi phạm theo Nghị định 100.
Xử nghiêm cơ sở sản xuất, phân phối vi phạm
TS Khương Kim Tạo cho biết, để ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy "độ" dung tích, trước hết cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, đại lý, cửa hàng tự ý thay đổi dung tích động cơ.
Trong khi đó, thiếu tá Chinh cho rằng, phụ huynh học sinh phải có trách nhiệm khi giao xe cho con chưa đủ điều kiện, không giám sát chặt quá trình con sử dụng xe; Không giáo dục, chỉ dẫn, trang bị cho con kiến thức về ATGT, kỹ năng lái xe an toàn.
Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới cho biết, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới) có quy định cấm hành vi "sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật"; "Tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng không bảo đảm liên quan đến an toàn kỹ thuật so với thiết kế hoặc hồ sơ kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
"Đây sẽ là cơ sở để siết trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, đại lý, cơ sở sửa chữa. Đồng thời, tới đây cần bổ sung chế tài xử lý tại Nghị định sửa đổi Nghị định 100/2019", vị này cho biết.
Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới cho biết, theo Nghị định 03/2024, từ ngày 1/3/2024, Cục Đăng kiểm VN được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đây là cơ sở quan trọng để Cục Đăng kiểm VN kiểm soát chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở sản xuất, đại lý phân phối các sản phẩm xe cơ giới, bao gồm cả xe gắn máy.
Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/ngan-moi-nguy-tu-xe-gan-may-do-che-192240516221534817.htm