Ngăn ngừa biến chứng viêm phổi do cúm ở trẻ

Ở thời điểm hiện tại, cúm mùa đang gây ra nhiều ca bệnh ở cả trẻ em và người lớn, bệnh có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách thì trẻ có thể bị bội nhiễm gây biến chứng nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mắc cúm có thể dẫn tới viêm phổi

Cúm là bệnh do nhiễm virus nên dễ lây lan và phổ biến trong mùa thu đông, đông xuân. Cúm và cảm lạnh là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Các triệu chứng của bệnh cúm mùa rất đa dạng, bao gồm: Trẻ bị sốt; trẻ mệt mỏi quấy khóc, kèm theo ho và đau họng cũng có thể xuất hiện.

Các triệu chứng này thường cải thiện sau 2 đến 5 ngày, mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Biến chứng thường gặp nhất của cúm là viêm phổi ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, viêm phổi cũng phổ biến hơn ở những trẻ có hệ thống miễn dịch yếu.

Cúm thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng trên lâm sàng như sốt, ho và đau cơ. Các xét nghiệm tìm cúm chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như trong đợt bùng phát cúm mới trong cộng đồng và ở những bệnh nhân có nguy cơ biến chứng cao.

Khi nào trẻ bị cúm cần thăm khám bác sĩ?

Khi trẻ bị mắc cúm nếu cha mẹ chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Với trẻ dưới 2 tuổi và trẻ có miễn dịch suy giảm do các bệnh lý có nguy cơ phát triển viêm phổi cao hơn thì cần thăm khám bác sĩ sớm.

Khi trẻ mắc cúm hoặc có các biểu hiện như: Sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài trên 3 ngày không dứt, không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt, khó thở hoặc thở nhanh, gấp, bỏ ăn, bỏ bú, nôn mửa, ngủ li bì, ủ rũ, mê man… cũng cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Hoặc các triệu chứng cúm nặng hơn không có dấu hiệu đỡ, chẳng hạn như nghẹt mũi trên 14 ngày, mắt đỏ có gỉ (ghèn) mắt vàng, đau nhức tai, chảy mủ tai... cũng cần đi khám ngay.

Cúm là bệnh do nhiễm virus nên rất dễ lây lan.

Cúm là bệnh do nhiễm virus nên rất dễ lây lan.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cúm

Khi trẻ mắc cúm cha mẹ có thể sử dụng thuốc giảm ho, hạ sốt... theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.

Cần vệ sinh mũi, mắt, họng hàng ngày với dung dịch nước muối sinh lý. Theo dõi nhịp thở thân nhiệt, đặc biệt các dấu hiệu tím môi, da và đầu ngón tay của trẻ.

Chú ý cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng bằng cách cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, sữa, cháo, nước hoa quả... đảm bảo trẻ không bị mất nước.

Không cho trẻ tiếp xúc thêm với những người đang mắc các bệnh hô hấp hay có các triệu chứng hô hấp để tránh lây nhiễm bệnh. Đồng thời nếu ra ngoài cần đeo khẩu trang cho trẻ để tránh lây bệnh ra cộng đồng.

Phòng tránh cúm cho trẻ

Biến chứng viêm phổi khi mắc cúm có thể xảy ra, đặc biệt với những trẻ có yếu tố nguy cơ cao tăng nặng bệnh như:

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
Mắc bệnh mạn tính khác.
Cơ địa suy giảm miễn dịch.
Mắc bệnh 2 lần trong vòng 1 tháng hoặc bệnh đã giảm nhưng lại sốt cao trở lại.

Vì vậy, để phòng biến chứng viêm phổi khi mắc cúm cha mẹ cần tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Cần vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh tay trước khi tiếp xúc với trẻ, khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn. Nếu phải ra ngoài cần đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc tiếp xúc các nguồn lây. Trong môi trường sống, cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, chăn gối... nhất là khi thời tiết nồm ẩm, vì vi sinh vật và nấm mốc sẽ có điều kiện sinh sôi phát triển và gây bệnh.

Khi trẻ bị bệnh, cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, không áp dụng các biện pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng, bởi có thể gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe cho trẻ.

Lưu ý: Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh cúm, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, phân loại mức độ bệnh và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng virus.

BS Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngan-ngua-bien-chung-viem-phoi-do-cum-o-tre-16925021421162277.htm