Ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm gia tăng

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc.

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc.

Thời gian qua, một số loại bệnh truyền nhiễm (BTN) có xu hướng gia tăng, bao gồm cả các loại BTN có vaccine ngừa và các loại BTN theo mùa. Bác sĩ chuyên khoa I PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã chia sẻ với Báo Đồng Nai về diễn biến dịch bệnh và các giải pháp phòng ngừa.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng

Thời gian qua, một số BTN có vaccine ngừa có xu hướng gia tăng, gây nên lo ngại về miễn dịch cộng đồng. Bác sĩ có thể cho biết diễn biến thực tế của các loại BTN hiện nay và đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- Hiện nay, nhiều loại BTN có xu hướng tăng, bao gồm nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

Đối với các loại BTN có vaccine thì các bệnh: ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản là 3 bệnh tăng nhiều trong giai đoạn 2 tháng gần đây. Những năm trước, mỗi năm chỉ có khoảng vài ba ca bệnh nhưng năm nay số ca mắc tăng nhiều. Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 15-8 toàn tỉnh ghi nhận 19 ca bệnh ho gà trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca nào, 34 ca bệnh sởi. Đối với bệnh viêm não Nhật Bản, toàn tỉnh đã ghi nhận 7 ca, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê trên cho thấy, các ca BTN có vaccine ngừa đã tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước và còn có xu hướng tăng nữa. Số ca nhiễm cộng dồn càng lớn thì khả năng tạo ra các ổ dịch liên quan càng lớn.

Nguyên nhân là do khoảng trống miễn dịch của những năm trước để lại, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, người dân không tiêm ngừa đầy đủ. Bên cạnh đó, vật tư tiêm chủng không được cung ứng đầy đủ.

Cho đến hiện tại, số vaccine được cung ứng so với nhu cầu của tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 50%. Nếu việc thiếu này tiếp diễn thì sẽ để lại khoảng trống miễn dịch lớn và gần như BTN liên quan đến các loại vaccine này không thể kiểm soát một cách toàn diện trong nhiều năm tiếp theo.

Vậy còn diễn biến của các BTN theo mùa hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?

- Đối với bệnh sốt xuất huyết (SXH), thông thường số ca bệnh bắt đầu tăng dần vào mùa mưa, lên đỉnh điểm vào giữa hoặc giai đoạn sau của mùa mưa. Diễn biến dịch bệnh SXH năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này.

Hiện, tổng số ca mắc SXH đang giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số ca bệnh ghi nhận hiện tại đang tiệm cận đường cong chuẩn dự báo dịch, nghĩa là số ca mắc SXH năm nay sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm.

Nguyên nhân số ca mắc SXH đang ở mức tiệm cận đường cong chuẩn dự báo dịch nhưng vẫn thấp hơn 8% so với cùng kỳ là do khởi điểm ghi nhận ca mắc từ đầu năm thấp nên tổng số ca cộng dồn thấp. Số ca mắc SXH ghi nhận tăng cao kể từ tháng 6, 7. Số ca bệnh tăng nghĩa là số ổ dịch hoặc có thể nói mầm bệnh trải rộng hơn, khả năng lây lan cao hơn. Vậy, xu hướng trong thời gian tới, nếu diễn biến tự nhiên thì số ca SXH sẽ tăng và tăng đột biến. Dự báo đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 9.

Do vậy, trong tháng 8, nếu việc can thiệp bằng các hoạt động chuyên môn (gồm: phát hiện, điều tra, xử lý các ổ dịch tốt và thực hiện tốt hoạt động vệ sinh môi trường) thì sẽ khống chế được số ca mắc và số ổ dịch. Nếu can thiệp không chuẩn mực, không đạt hiệu quả cao thì nguy cơ dịch SXH sẽ bùng phát.

Tăng cường các biện pháp phòng dịch

Như bác sĩ đã trao đổi, thời điểm tháng 9, dự báo số ca mắc SXH sẽ ở mức đỉnh của dịch, điều này rất đáng lo ngại bởi đây là giai đoạn trẻ tựu trường. Vậy công tác phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới cần phải thực hiện như thế nào?

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trumg tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trumg tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN

- Trường học tập trung đông trẻ từ nhiều khu phố, ấp… Nếu xung quanh khuôn viên trường mà mật độ muỗi truyền bệnh SXH cao thì khả năng lây nhiễm bệnh SXH giữa các học sinh cao.

Vì vậy, trường học cần thực hiện vệ sinh môi trường, dẹp các dụng cụ chứa nước, tạo môi trường thông thoáng để côn trùng trung gian truyền bệnh không có điều kiện phát triển.

Ngoài bệnh SXH thì khi bước vào năm học, bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ sẽ tăng vì bệnh này dễ lây, đặc biệt là trong nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, trường học, nhất là các trường mầm non, các nhà/nhóm trẻ cần thực hiện vệ sinh, khử trùng thường xuyên, liên tục, đều đặn bằng các hoạt chất khử khuẩn thông thường.

Bên cạnh đó, các trường học, các đơn vị tập trung đông người lao động cần chủ động việc kiểm soát nguồn lây bệnh. Việc theo dõi nhằm đưa ra biện pháp cách ly nguồn bệnh phù hợp.

Từ tháng 5 đến nay đã ghi nhận 19 ca ho gà tại 3 huyện, thành phố là: Định Quán (6 ca), Biên Hòa (9 ca) và Trảng Bom (1 ca), Nhơn Trạch (1 ca), Long Thành (2 ca) trên trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Điều này chứng tỏ trong cộng đồng tồn tại vi khuẩn ho gà. Bệnh ho gà là BTN cấp tính lây qua đường hô hấp, dễ lây lan, trong khi năm 2023 có nhiều tháng không có vaccine trong tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch ho gà là rất lớn.

Quay trở lại với các BTN có vaccine phòng bệnh, trong điều kiện vẫn còn thiếu vật tư, vaccine thì người dân cần phải làm gì, thưa bác sĩ?

- Đối với các BTN có vaccine ngừa thì người dân cần rà soát tiền sử tiêm chủng để xem còn thiếu loại vaccine nào cần tiêm. Nếu chưa biết cặn kẽ thông tin thì cần đến trạm y tế nơi mình đang sinh sống để được tư vấn đầy đủ.

Muốn có phác đồ tiêm chủng chuẩn mực, đầy đủ, tốt nhất cha mẹ nên có cuốn sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi hoạt động tiêm chủng cho trẻ. Ngoài các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân nên tiêm bổ sung các loại vaccine khác theo hướng dẫn.

Củng cố hệ thống miễn dịch là xuyên suốt cả đời người chứ không phải trong ngày một ngày hai.

Về tầm soát, rà soát và cách ly, phòng ngừa đối với các trường hợp BTN thì hoạt động khám bệnh, điều trị, cách ly, cách ly tại nhà là cần thiết, chuẩn mực nhằm khống chế lây nhiễm chéo giữa các đối tượng có tiếp xúc.

Các trường hợp có dấu hiệu sốt, nghi ngờ mắc BTN cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị đúng phác đồ, điều trị sớm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bệnh đối với từng cá nhân cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Với các biện pháp như vậy, hy vọng thời gian tới các BTN có vaccine ngừa và BTN theo mùa đều giảm.

Thời gian qua, Đồng Nai cũng ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh dại. Bác sĩ có thể thông tin cụ thể hơn về loại dịch bệnh này cũng như khuyến cáo người dân trong công tác phòng, chống dịch?

- Đồng Nai hiện ghi nhận 26 ổ dịch có xét nghiệm dương tính với virus dại trên động vật, 1 trường hợp người tử vong do dại và có xét nghiệm khẳng định của virus dại.

Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN

Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN

Cần nói thêm rằng, tổng số ổ dịch có xét nghiệm dương tính với virus dại ở khu vực Đông Nam Bộ là hơn 70 ổ dịch, trong đó Đồng Nai có 26 ổ dịch (chiếm 30%). Điều này cho thấy tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người dân là rất cao.

Nếu việc quản lý tiêm ngừa đối với vật nuôi, đặc biệt là chó, mà không cao; các can thiệp khi có trường hợp bị động vật cắn, cào không đúng chỉ định thì cũng có nguy cơ dẫn đến tử vong trên người do bệnh dại.

Trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, tất cả các trường hợp có ghi nhận động vật xét nghiệm dương tính với virus dại thì công tác điều tra dịch bệnh được thực hiện song song giữa ngành y tế và thú y. Qua điều tra 26 ổ dịch, ghi nhận khoảng 25% trường hợp bị động vật dại cắn, cào nhưng chưa tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Cho thấy nguy cơ tiềm ẩn tử vong do bệnh dại trên người trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới là hiện hữu.

Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm ngừa và theo dõi con vật trong thời gian tiêm ngừa. Cho đến nay, chưa có phương pháp nào khác có cơ sở khoa học để phòng, chống bệnh dại ngoài tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Hải Yến (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/ngan-ngua-cac-benh-truyen-nhiem-gia-tang-0694d5f/