Ngăn ngừa trẻ đuối nước
Mới đây, chiều 24-5, báo chí đưa tin một bé gái 10 tuổi ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị nước cuốn trôi khi tắm mưa.
Hè đến, mùa mưa về, các vụ trẻ em đuối nước thương tâm lại gia tăng, thường do những nguyên nhân chủ quan như người thân thiếu giám sát hoặc khách quan như ao hồ không an toàn.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã ghi nhận ít nhất 65 trẻ em chết đuối. Đắk Nông là một trong những "điểm nóng" khi tính đến giữa tháng 5, địa phương này đã có 18 trẻ chết đuối, trong khi Bình Phước có 7 em, Hà Tĩnh cũng 7 em... Những con số này không chỉ là thống kê mà phía sau đó còn là những tiếng khóc lặng người, nhiều mái nhà không còn tiếng gọi "mẹ ơi", nhiều nạn nhân không có cơ hội bước vào năm học mới...
Chúng ta quen gọi những cái chết ấy là "tai nạn thương tâm". Nhưng tôi cho rằng nếu người lớn đủ quan tâm, chính quyền địa phương đủ trách nhiệm, cộng đồng không thờ ơ, thì phần lớn những vụ đuối nước đều có thể phòng tránh.
Đừng đổ lỗi cho dòng nước; lỗi nằm ở sự lơ là của người lớn. Nhiều khu vực ao hồ sát trường học, sát khu dân cư nhưng không có biển cảnh báo, không được rào chắn. Nhiều phụ huynh phó mặc con em mình cho "ông trời" trong suốt mùa hè, vì mưu sinh, vì chủ quan. Nhiều trường học vẫn chưa có chương trình dạy bơi bắt buộc cho học sinh, trong khi bơi lội là kỹ năng sống tối thiểu trong một quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc như Việt Nam.
Chúng ta không thể ngồi nhìn những chiếc cặp học sinh nằm lại bên bờ ao thêm lần nào nữa. Mong rằng các cấp, các ngành liên quan hãy hành động khẩn trương và cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa bơi lội vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3, đồng thời có chính sách hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi.
Chính quyền địa phương cần rà soát tất cả điểm nước gần khu dân cư như ao, hồ, kênh mương, hố nước công trình và hoàn thành việc rào chắn, cắm biển cảnh báo; đồng thời thường xuyên kiểm tra, duy trì các biện pháp này. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp học kỹ năng phòng tránh đuối nước, sơ cứu khẩn cấp cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong dịp hè, với sự phối hợp giữa nhà trường, đoàn thanh niên và công an địa phương.
Song song đó, cần tăng cường chế tài xử phạt đối với các hộ dân có ao hồ không bảo đảm an toàn, để xảy ra tai nạn chết người. Ngoài ra, truyền thông về đuối nước cần trở thành chiến dịch thường xuyên, liên tục, không chỉ diễn ra trong vài ngày của "Tháng hành động vì trẻ em".
Nếu một đứa trẻ chết chỉ vì sự thờ ơ của người lớn thì lỗi ấy không phải của cá nhân nào mà là sự thất bại chung của cả cộng đồng. Xin hãy hành động ngay hôm nay!
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngan-ngua-tre-duoi-nuoc-196250525221501266.htm