Ngăn thực phẩm giả hoành hành
Thực phẩm giả đang hoành hành, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin xã hội, bóp méo môi trường cạnh tranh và đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý lô hàng mì chính giả
Vì sao thực phẩm giả có đất sống?
Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất và buôn bán thực phẩm giả gia tăng với tốc độ đáng báo động. Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, tình trạng sản xuất và buôn bán thực phẩm giả tại Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn, phạm vi hoạt động trải rộng. Từ đầu năm 2025 đến nay, đã xảy ra hàng loạt vụ việc nghiêm trọng liên quan đến sữa bột giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính giả, dầu ăn giả... Những sản phẩm này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà còn gây nguy hại đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền.
Theo các chuyên gia, thực phẩm giả tràn lan do 4 nguyên nhân chính.
Việc công khai danh sách các cơ sở vi phạm và thông tin sản phẩm bị thu hồi là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng và răn đe các hành vi vi phạm.
Thứ nhất, thực phẩm giả mang lại lợi nhuận cực lớn trong khi chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ cần bỏ ra khoản chi phí nhỏ để sản xuất, nhưng giá bán lại cao, khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để trục lợi.
Thứ hai, cơ chế tự công bố sản phẩm còn nhiều kẽ hở. Theo quy định hiện hành, chỉ có 3 nhóm sản phẩm bắt buộc phải đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn lại, phần lớn thực phẩm chỉ cần doanh nghiệp tự công bố, mà không cần thẩm định trước khi lưu hành.
Bà Nga cho hay, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp, tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung... Thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp, không mất phí. Nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất, kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.
Thứ ba, thủ đoạn sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả ngày càng tinh vi. Nhiều công ty làm giả tem nhãn giống các thương hiệu nổi tiếng, gắn mác hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu…, nhưng thực chất là sản phẩm sản xuất trong nước hoặc từ nước thứ ba với chất lượng chỉ đạt 10 - 30% so với công bố. Không những vậy, các đối tượng còn lập nhiều công ty “ma” để tạo hệ thống phân phối rộng, thuê bác sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, đặc biệt với thực phẩm chức năng và sữa bột. Kênh bán hàng chính là mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, vốn rất khó kiểm soát, do tính ẩn danh cao.
Thứ tư, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Nhiều người chưa phân biệt được thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc; dễ bị dẫn dắt bởi các chiêu trò quảng cáo trên mạng, tin vào hàng rẻ, hàng “xách tay”, không rõ nguồn gốc.
Cần hành động quyết liệt
Để ngăn chặn thực phẩm giả, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Các bộ, ngành, chính quyền các cấp cần nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, đấu tranh với nạn buôn lậu, hàng giả, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu.
Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, siết chặt quy trình công bố sản phẩm và tăng mức xử phạt đủ sức răn đe. Việc thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm, liên thông từ trung ương đến địa phương, là cần thiết để tăng hiệu quả giám sát.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được chú trọng hơn. Người dân cần được nâng cao nhận thức về cách phân biệt hàng thật - hàng giả, hiểu rõ sự khác biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc, cảnh giác trước các chiêu trò quảng cáo sai sự thật. Việc công khai danh sách các cơ sở vi phạm và thông tin sản phẩm bị thu hồi là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng và răn đe các hành vi vi phạm.
Để đảm bảo người dân được tiếp cận với các sản phẩm an toàn và chất lượng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, trước hết, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Sự trung thực và trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.
Đồng thời, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu. Việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, trang bị các công cụ hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm lưu thông trên thị trường là yếu tố then chốt để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh, thường xuyên.
Mỗi người dân cần trang bị kiến thức cần thiết để có thể tự mình lựa chọn thực phẩm một cách thông thái. Việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nhãn mác, cũng như cập nhật các cảnh báo từ cơ quan chức năng, sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Thực phẩm giả là một hiểm họa tiềm ẩn, nhưng hoàn toàn có thể bị đẩy lùi nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ có hành động sớm, hành động nhanh, hành động quyết liệt mới đủ sức bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ vững niềm tin của xã hội vào hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-thuc-pham-gia-hoanh-hanh-d283344.html