Ngân vang lời quê hương 'Ra đi là chiến thắng' trong ngày toàn thắng
Hòa trong triệu triệu trái tim chung nhịp đập hướng về thời khắc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tâm tưởng ông Đỗ Ngọc Bình, sinh năm 1953, quê xã Hòa Xá (nay là xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chộn rộn niềm vui.
Dòng hồi ức của ông thấm đẫm hình ảnh những người đồng đội đã hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngay trước ngưỡng cửa của hòa bình, những cung đường hành quân pháo sáng rực trời và những gian lao của cả một thế hệ để xây nền độc lập cho Tổ quốc hôm nay.

Ông Đỗ Ngọc Bình phát biểu tại Tọa đàm "Phát huy truyền thống “Chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới" do Báo Hànôịmới và huyện Ứng Hòa tổ chức ngày 21-4. Ảnh: Quang Thái
Từ quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn" ra trận tuyến lớn
Tôi gặp ông Đỗ Ngọc Bình (xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa) - nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 khi ông vừa đi giao lưu ở huyện Mỹ Đức về phong trào Chiếc gậy Trường Sơn của quê hương Hòa Xá (nay là xã Thái Hòa). Giọng nói hào sảng, dáng nhanh nhẹn, ông vẫn giữ tác phong của người lính năm nào. Trong câu chuyện của mình, ông nhắc lại từng mốc thời gian, như thể đó là câu chuyện mới của ngày hôm qua...
Năm 1972, cả nước bừng bừng khí thế ra trận, lên đường đánh Mỹ cứu nước. Hòa Xá cũng có rất nhiều đợt tòng quân, những thanh niên đến tuổi nhập ngũ như ông Bình háo hức, chỉ mong được đến ngày ra trận.
Đợt nhập ngũ năm 1972, quê hương Hòa Xá của ông có 7 người, nhưng chỉ có ông Bình và ông Phùng Văn Định cùng lên đường vào ngày 3-9-1972.
Lúc đó, Hòa Xá có cuốn sổ vàng truyền thống, ai lên đường cũng để lại những dòng nhắn gửi tâm tư cho quê hương. Cũng như bao người đã lên đường trước đó, ông Bình và ông Định cũng viết và ký tên vào cuốn sổ. (Sau này, ông Phùng Văn Định đã hy sinh ở mặt trận Đông Nam Bộ vào đầu năm 1975). Lúc đó, mọi thanh niên lên đường còn được địa phương tặng 1 lá cờ nhỏ, trên đó thêu dòng chữ: “Nhân dân Hòa Xá tặng đồng chí, ra đi là chiến thắng”.

Mỗi thanh niên lên đường nhập ngũ đều được xã Hòa Xá tặng lá cờ nhỏ, trên đó thêu dòng chữ: Nhân dân Hòa Xá tặng đồng chí ra đi là chiến thắng". Ảnh: NB
Quê hương Hòa Xá lúc đó đã rất nổi tiếng với phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, vì thế, được lên đường ra mặt trận chiến đấu là nỗi mong chờ, là niềm tự hào của thanh niên quê nhà. Mang theo tâm thế đánh giặc để giải phóng miền Nam, ai ai cũng quyết tâm, không nao núng trước mọi vất vả, hy sinh, trước mắt chỉ có tiền tuyến, chỉ có tiếng gọi của miền Nam ruột thịt.
Nằm trong quân số của một trong những “Sư đoàn thép” của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Bình là xạ thủ 1 thuộc Đại đội 16, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, nên "vào sinh ra tử" ở nhiều chiến trường ác liệt. Lăn lộn ở mặt trận Thượng Đức, cao điểm (Đỉnh máu) 1062 (tỉnh Quảng Đà, nay là tỉnh Quảng Nam) năm 1974, đến tháng 3-1975, ông tham gia cùng Trung đoàn 24 tiến đánh giải phóng Đà Nẵng... Dù cái chết luôn cận kề, chưa bao giờ ông Bình chùng lòng, trái lại, càng tự hào, càng thêm quyết tâm.
“Trong đơn vị, anh em biết tôi là người ở quê hương khởi phát của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” nên ai cũng quý mến. Đó là niềm tự hào mà không phải ai cũng vinh hạnh có được. Đáp lại, tôi càng phải cố gắng hơn để hình ảnh quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” đẹp và lan tỏa hơn nữa trong lòng những người đồng chí”, ông Bình xúc động nhớ lại.
Dấu ấn hào hùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Tiếp mạch chuyện, ông Bình kể: Dồn dập nhất, nhớ nhất vẫn là những tháng ngày cả đất nước “vặn mình” dồn sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau chiến thắng giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975, đến ngày 8-4-1975, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 làm lễ xuất quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên chiếc mũ cối những người lính đội đầu năm ấy dán dòng chữ: “Thần tốc, thần tốc, táo báo, táo bạo hơn nữa. Quyết tâm giải phóng miền Nam”. Nhiệm vụ tham gia chiến dịch được phổ biến đến từng người, hun đúc nên khí thế hừng hực ra mặt trận. Các đoàn xe chạy rầm rập trên đường hành tiến quốc lộ 1A, đơn vị nào tiên phong, gặp địch là đánh và ở lại giải quyết hậu quả để đơn vị phía sau tiếp tục tiến lên.
Khoảng ngày 22-4-1975, Trung đoàn 24 tập kết tại rừng cao su Long Khánh. Sáng 25-4-1975, mỗi chiến sĩ viết một “quyết tâm thư”, quyết tâm chiến đấu, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao...
Vào hồi 17h ngày 26-4-1975, đơn vị của ông Bình làm lễ xuất quân, đánh trận cuối cùng - đánh căn cứ Nước Trong, Chi khu quân sự Long Thành (tỉnh Long Khánh, nay là tỉnh Đồng Nai). Đây là tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, bên cạnh là Trường Sỹ quan thiết giáp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Do đây là mắt xích quan trọng, địch chống trả quyết liệt. Ngược lại, ta cũng quyết tâm bằng mọi giá phải chọc thủng tuyến phòng thủ này và hướng đến điểm tập kết cuối cùng tại Dinh Độc Lập.
Tại đây đã diễn ra những trận đánh cam go, ta và địch giành nhau từng mét đất. Nhưng với quyết tâm rất cao của toàn bộ Trung đoàn, chiều 29-4-1975, Trung đoàn 24 mở đợt tấn công tiếp theo quyết đập tan tuyến phòng thủ này. Và đúng như dự kiến, đêm 29-4-1975, đơn vị đã chọc thủng tuyến phòng thủ căn cứ Nước Trong, làm chủ chiến trường.

Quân giải phóng đánh chiếm Trường Thiết giáp ngụy tại căn cứ Nước Trong. (Ảnh tư liệu: Hứa Kiểm/TTXVN)
5h sáng 30-4-1975, đơn vị của ông Bình áp sát cổng số 11 của Tổng kho Long Bình (kho bom, đạn lớn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam được xây dựng từ giữa năm 1965). Tại đây, trước đó 1-2 giờ đồng hồ đã xảy ra những trận chiến đấu ác liệt, hiện trường còn ngổn ngang xác địch. Đơn vị của ông Bình nhận nhiệm vụ cử 6 người đi cùng trên chiếc xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 tiến về Dinh Độc Lập, còn những đồng chí khác thì chờ xe ô tô chở đi sau. Trong lúc chờ điều xe, khoảng 8h sáng 30-4-1975, đơn vị của ông Bình được lệnh vào tiếp quản tổng kho Long Bình và chờ xe ô tô đón để tiến đánh Sài Gòn.
Sau đó, ông Bình cùng một số đồng đội tiến vào Sài Gòn, nhưng khi đến nơi, Sài Gòn đã được giải phóng nên ông lại được lệnh quay về tiếp quản, bảo vệ Tổng kho Long Bình...
“Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông liền một dải. Đây là chiến thắng được xây nền, đắp móng từ sự hy sinh vô bờ bến của những người chiến sĩ quả cảm, của sự kiên trung, bất khuất của một dân tộc anh hùng” - ông Bình khẳng định.
Năm 1979, ông Bình rời quân ngũ về quê nhà sống và làm việc bình lặng như bao người khác. Mỗi năm đến thời khắc lịch sử của ngày 30-4, trong ông lại sống dậy những kỷ niệm của một lớp thế hệ quên mình cho đất nước nở hoa.
Chia tay người viết bài, ông Bình không quên nhấn lại: “Cả Hòa Xá chỉ có khoảng 4-5 người được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Do đó, đây là vinh dự, tự hào của cá nhân tôi. Tuổi trẻ của tôi được nuôi dưỡng bởi hào khí của phong trào quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”. Ra mặt trận, phong trào này tiếp tục là chỗ dựa, là động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi kiên định với niềm tin chiến thắng. Tôi tự hào nói về điều đó!”.