Ngành bán hàng đa cấp Việt Nam hướng đến phát triển và ổn định
Ngày 23/7, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến 'Nhận diện Đa cấp bất chính – Hành lang pháp lý thúc đẩy bán hàng đa cấp tại Việt Nam'.
Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI phát biểu
Buổi tọa đàm được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia và đóng góp ý kiến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nhằm tìm ra tiếng nói và giải pháp chung giúp thị trường kinh doanh đa cấp ngày càng ổn định và phát triển, tương xứng với tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh doanh đa cấp là hình thức hợp pháp tại các quốc gia công nghiệp.
Toàn cảnh tọa đàm
Bán hàng trực tiếp - BHTT (Direct Selling) hay khái niệm tại Việt Nam còn gọi là bán hàng đa cấp - BHĐC (Multi-Level Marketing) là một trong những phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất (hay doanh nghiệp nhập khẩu) đến người tiêu dùng cuối cùng; trong đó, một phần thu nhập từ việc bán hàng được chi trả cho việc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng.
Đây là phương thức bán lẻ phổ biến trên toàn thế giới và đã được thừa nhận rộng rãi và bảo vệ tại rất nhiều quốc gia, cũng như được công nhận tại các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam tự hào trở thành hội viên chính thức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam
Người tham gia có thể làm việc linh hoạt toàn thời gian, bán thời gian hoặc chỉ phục vụ mục đích tiêu dùng cá nhân. Tổng doanh thu ngành bán hàng trực tiếp trên toàn thế giới được ghi nhận là hơn 180 tỷ đô vào năm 2019 với sự tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2012-2018 (theo báo cáo của Hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới WFDSA).
Tại Việt Nam, cho dù gặp rất nhiều khó khăn do những điều tiếng từ các tổ chức cá nhân lợi dụng mô hình BHĐC để kinh doanh bất chính, tuy nhiên tổng doanh thu của ngành BHĐC vẫn tăng trưởng trong 4 năm liên tiếp vừa qua, giai đoạn 2016 - 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ/năm, năm 2018 đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng, năm 2019 là khoảng hơn 12 ngàn tỷ đồng (theo báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng - Bộ Công thương).
Kết quả đó có được được đánh giá là do việc quản lý đúng đắn của Bộ Công thương cũng như việc ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ giúp mang lại những thay đổi mang tính đột phá với nhiều điều kiện và tiêu chí cụ thể rất nghiêm ngặt, chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục tham gia hoạt động.
Các công ty BHĐC đã và đang tuân thủ nghiêm túc hành lang pháp lý này trong các hoạt động kinh doanh của mình để hướng tới phát triển kinh doanh lành mạnh và ổn định.
Cũng trong khuôn khổ của buổi tọa đàm này, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam tự hào trở thành hội viên chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với mong muốn tiếp tục kinh doanh bền vững cũng như cùng cộng động doanh nghiệp đóng góp hơn nữa vào công cuộc phát triển xã hội kinh tế của Việt Nam.