Ngành bất động sản Trung Quốc vật vã bán tháo tài sản
Do thị trường ảm đạm, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang chật vật tìm người mua khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD của họ.
Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande) dự kiến huy động khoảng 2,6 tỷ USD từ việc bán cổ phần kiểm soát trong mảng quản lý bất động sản, nhưng các cuộc đàm phán tìm đối tác của tập đoàn đã kết thúc vào tuần trước.
Modern Land, một nhà phát triển bất động sản vừa vỡ nợ khoản trái phiếu trị giá 250 triệu USD vào tuần trước, đã không thể bán lại một tòa tháp văn phòng ở Hong Kong. Cũng lâm cảnh vỡ nợ, Oceanwide Holdings đang tìm cách bán bớt cổ phần khu phức hợp văn phòng của họ ở Bắc Kinh.
Việc không thể bán cổ phần càng làm trầm trọng thêm tình trạng eo hẹp tiền mặt của một số tập đoàn bất động sản của Trung Quốc. Nhiều tập đoàn đã không còn khả năng tiếp cận thị trường tài chính do chi phí đi vay tăng cao và chính sách "ba lằn ranh đỏ" của chính phủ.
Matthew Chow, Giám đốc của S&P Global Ratings, nhận định phần lớn người mua tiềm năng của các tài sản bất động sản đang được thanh lý cũng là doanh nghiệp cùng ngành. Nhưng với quy định "ba lằn ranh đỏ", nhiều người đã kiềm chế để không thu gom những tài sản lớn. "Trong một chu kỳ lao dốc, ngay cả những chủ đầu tư có thanh khoản dồi dào cũng có xu hướng tích trữ tiền mặt", ông nói.
Nhiều năm qua, các nhà phát triển từ Dalian Wanda đến Seazen Group đã có thể vượt qua căng thẳng tài chính bằng cách bán bớt các lô đất, dự án xây dựng hoặc tài sản khác. Các đối thủ bất động sản lớn - bao gồm Evergrande, Sunac China Holdings và China Vanke - thường sẵn sàng mua những tài sản ấy.
Kịch bản đó giờ không còn xảy ra, từ khi cuộc khủng hoảng nợ của Hằng Đại nhấn chìm lĩnh vực địa ốc, và chính sách siết chặt vay nợ của Bắc Kinh. 2/3 trong số số 30 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của đất nước theo doanh số đã vi phạm ít nhất một trong ba lằn ranh đỏ, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Doanh nghiệp sẽ không thể vay thêm tiền nếu vi phạm cả ba."Các dự án bất động sản thường đi kèm với nợ. Hiện tại rất ít doanh nghiệp sẵn sàng ôm thêm nợ ", Chuanyi Zhou, nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics, bình luận.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande đã làm xói mòn niềm tin vào lĩnh vực bất động sản, mà theo một số ước tính thì chiếm gần một phần tư GDP Trung Quốc. Có ít nhất bốn nhà phát triển bất động sản đã vỡ nợ trái phiếu USD vào tháng trước, làm dấy lên lo ngại xu hướng sẽ tiếp tục lan rộng ra toàn ngành. Những người đi vay Trung Quốc đã vỡ nợ hơn 9 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài năm nay. Trong đó, các công ty bất động sản chiếm một phần ba.
Giá nhà giảm và doanh số bán đất giảm càng làm phức tạp thêm việc mua bán bất động sản. Giá nhà ở lần đầu tiên hạ trong hơn 6 năm vào tháng 9. Trong khi đó, tỷ lệ đất nền tồn đọng tăng lên mức cao nhất từ năm 2018.
Doanh số bán nhà mới của 100 chủ đầu tư hàng đầu Trung Quốc đã giảm 32% trong tháng 10 so với cùng kỳ 2020, theo số liệu từ China Real Estate Information. Công ty dự báo, doanh số có thể tiếp tục chậm lại trong phần còn lại của năm.
Sức mua giảm có nguy cơ bào mòn giá trị tiềm năng các dự án do những công ty như Hằng Đại chào bán. Hằng Đại cũng đang tìm cách bán thêm cổ phần trong mảng kinh doanh xe điện để có tiền trả tiếp khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Mảng kinh doanh trên Internet như HengTen, hoặc nền tảng bán hàng trực tuyến FCB Group, cũng được cân nhắc để bán bớt cổ phần.