Ngành bất động sản và khoản nợ 82.000 tỷ đồng trái phiếu trong nửa cuối năm 2023
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu đóng băng, nhiều doanh nghiệp chật vật tìm nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu. Đặc biệt, những tháng cuối năm, ngành bất động sản gặp áp lực không nhỏ với khoản nợ trái phiếu lên đến 82.000 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến đầu tuần này, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5/2023.
Trong tháng 4, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng được ghi nhận (tương đương 10% tổng khối lượng phát hành của tháng liền kề).
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 31.658 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 17% tổng giá trị phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 26.137 tỷ đồng (chiếm 83% tổng số).
Về trái phiếu doanh nghiệp được mua lại, trong 3 tuần đầu tháng 5/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 5.249 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5. Trong đó, Ngân hàng Phương Đông mua lại nhiều nhất với giá trị 3.500 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 55.885 tỷ đồng (tăng 45.6% so với cùng kỳ năm 2022).
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng chỉ riêng trong hai tuần cuối của tháng 5.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng…
Được biết, trong năm 2023 khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 290.000 tỷ đồng, lớn nhất là trong đó quý 3 với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm là rất lớn. Chỉ riêng trong 4 tháng tới (6, 7, 8, 9), lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt là: 35.274 tỷ đồng, 26.564 tỷ đồng, 33.746 tỷ đồng và gần 41.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỷ đồng.
Giữa lúc thị trường trái phiếu đóng băng, nhiều doanh nghiệp lại đang chật vật tìm nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu đến hạn. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay.
Cụ thể, ngày 25/5, Công ty Cổ phần Kinh doanh đá quý và Trang sức Đức Tiến công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu do chưa thu xếp được nguồn. Ngày 24/5, Hưng Thịnh Land cũng thông bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Như vậy, từ đầu tháng 5 tới nay, đã có hàng chục doanh nghiệp thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu. Trong đó, có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản như Hưng Thịnh Land, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Hưng Thịnh Investment… thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu. Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp như: Kita Invest, Phát Đạt, Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn… thông báo kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Hiện tại, rất ít doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023. Tiêu biểu là CTCP Thuận Đức đã thông qua nghị quyết chào bán trái phiếu ra công chúng với giá trị tối đa 300 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, thanh toán lãi, gốc và các nghĩa vụ tài chính đến hạn của TCPH. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11,2%/năm cho 4 kỳ đầu và thả nổi ở những kỳ sau.
Ngoài ra, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo thông qua chào bán tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm với kỳ hạn tối đa 60 tháng kể từ ngày phát hành ra công chúng trong quý 2/2023.
Liên quan đến tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính phát đi thông tin liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.