Ngành cao su: Tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), việc tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) sẽ tác động lớn đến ngành cao su trong nước.
Tính đến năm 2019, cả nước có hơn 943.000 ha rừng trồng cao su. Mỗi năm, diện tích này cung cấp cho thị trường với trữ lượng bình quân khoảng 2-10 triệu m3 gỗ tròn. Trong đó, tỷ lệ đóng góp từ các hộ tiểu điền ngày càng tăng, đạt khoảng 0,5 - 6 triệu m3 gỗ tròn/năm.
Bên cạnh mủ cao su, gỗ cao su đã trở thành một trong 2 sản phẩm chính từ cây cao su, với kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2019 đạt hơn 2,38 tỷ USD, chiếm 33,9% tổng giá trị XK của toàn ngành cao su và đóng góp 22,4% tổng giá trị XK của ngành gỗ Việt Nam. Hiện, gỗ và sản phẩm gỗ cao su Việt Nam đã được XK đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch VRA: Bên cạnh đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ngành gỗ Việt Nam, gỗ cao su còn được đánh giá là nguồn nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường vì chỉ lấy gỗ sau khi đã thu hoạch mủ với chu kỳ từ 20-25 năm. Đây là ưu thế quan trọng của gỗ cao su trong bối cảnh thị trường đòi hỏi sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ XK mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa, góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp tại Việt Nam và thế giới.
Để thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và đóng góp vào quản lý rừng bền vững, VRA đã tiến hành thực hiện dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam”. Dự án sẽ được thực hiện đến tháng 7/2021 và triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Ngoài ra, dự án sẽ nâng cao năng lực cho VRA trong việc hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung ứng gỗ cao su trong việc thúc đẩy tuân thủ hệ thống gỗ hợp pháp và các vấn đề liên quan đến Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).
Hệ thống VNTLAS được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến từng giai đoạn của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm: Khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua - bán và XK.