Ngành công nghệ Mỹ chạy đua tuân thủ các quy định kiểm soát mới ở châu Âu

Tuần tới, Meta Platforms, Apple, Google của Alphabet và các công ty công nghệ lớn khác, phần lớn là của Mỹ, sẽ bắt đầu đối mặt với làn sóng đầu tiên trong một loạt quy định kiểm soát công nghệ mới của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực trong những tháng tới.

Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU sẽ bắt đầu thực thi trong những tháng tới, buộc các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu phải tiến hành những thay đổi sâu rộng đối với các nền tảng và dịch vụ của họ. Ảnh: cookiefirst.com

Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU sẽ bắt đầu thực thi trong những tháng tới, buộc các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu phải tiến hành những thay đổi sâu rộng đối với các nền tảng và dịch vụ của họ. Ảnh: cookiefirst.com

Các luật mới của EU nhằm mục thúc đẩy các công ty công nghệ lớn kiểm soát nội dung trực tuyến tốt hơn và bắt buộc họ cởi mở với cạnh tranh hơn. Họ cũng sẽ chịu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý ở EU đã được trao quyền áp đặt các khoản tiền phạt khổng lồ cho các vi phạm

Các tập đoàn công nghệ lớn bao gồm Google và Meta cho biết, họ đang có hàng nghìn nhân viên làm việc về tuân thủ quy định quản lý mới của EU. Microsoft tiết lộ đang chi tiêu lớn cho các nỗ lực kỹ thuật để tuân thủ.

Một số tác động sẽ xảy ra ngay lập tức, thay đổi cách người dùng lướt, tìm kiếm và mua sắm trực tuyến. Những thay đổi khác có thể mất nhiều năm để thực hiện cho phép các tập đoàn công nghệ có thời gian xác định và giảm rủi ro hệ thống mà dịch vụ của họ gây ra cho các lĩnh vực từ quy trình bầu cử đến sức khỏe tinh thần của người dùng.

Mặc dù các quy định mới chỉ áp dụng ở châu Âu, nhưng tác động của chúng sẽ lan rộng trên toàn cầu. Các quy định của Brussels thường là khuôn mẫu cho những khu vực khác. Vì vậy, các nền tảng công nghệ sẽ chủ động thực hiện những số thay đổi áp dụng toàn thế giới.

“Thay đổi chính từ các quy định mới của EU là việc các ‘ông lớn’ công nghệ đang mất độc quyền về cách thiết kế dịch vụ và diễn giải các quy tắc mà họ đặt ra cho người dùng”, Martin Husovec, giáo sư luật tại Trường Kinh tế London, nói

Google đang nghiên cứu một màn hình có sự lựa chọn cho các trình duyệt internet trên điện thoại thông minh, một yêu cầu mà EU hy vọng sẽ mở ra sự cạnh tranh với trình duyệt Chrome được sử dụng phổ biến của công ty này. Apple đang phát triển cách để người dùng cài đặt các ứng dụng trên iPhone của họ từ bên ngoài cửa hàng App Store, nhằm tuân thủ một điều khoản yêu cầu mở cửa mô hình kinh doanh di động của công ty.

Meta đang xây dựng các công cụ để thông báo cho người dùng và cho phép họ khiếu nại trong một số trường hợp khi nội dung của không bị xóa. Đó là theo một quy tắc minh bạch mới mà các chuyên gia cho rằng có thể dẫn đến những thay đổi về cách thức và thời điểm các công ty can thiệp vào nền tảng của họ.

Amazon.com đã thiết lập một kênh mới để khách hàng cảnh báo các sản phẩm và nội dung có khả năng bất hợp pháp, đồng thời công bố thêm thông tin về người bán bên thứ ba của nền tảng thương mại điện tử này. Và TikTok sẽ cung cấp cho người dùng tùy chọn hiển thị video dựa trên mức độ phổ biến tại địa phương của họ, thay vì cá nhân hóa chúng dựa trên dữ liệu về người dùng, chẳng hạn như những video mà người dùng đã xem.

Phần đầu tiên của các quy định mới là luật kiểm duyệt nội dung có tên gọi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU sẽ áp dụng cho các công ty tìm kiếm và truyền thông xã hội lớn nhất bắt đầu từ cuối tháng 8. Vào đầu tháng 9, EU sẽ thông báo cho các công ty công nghệ biết dịch vụ nào của họ chịu sự chi phối của các quy định về cạnh tranh trong là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA).

“Dù ít hay nhiều, mọi điều khoản khác nhau của các luật này đều yêu cầu thay đổi quy trình, thay đổi kiến trúc hoặc cả hai. Những lãnh đạo cao cấp trong toàn công ty đang tập trung vào điều này” Kent Walker, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, nói.

EU đã tạo ra bước ngoặt lớn đầu tiên trong việc kiểm soát những tập đoàn công nghệ khổng lồ bằng luật về quyền bảo vệ riêng tư bắt đầu được thi hành vào năm 2018.

Luật đó, được gọi là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), đã thúc đẩy những thay đổi trong cách các công ty công nghệ ty xử lý thông tin cá nhân và truyền cảm hứng cho các luật tương tự ở những nơi khác.

Hai luật mới của EU, DSA và DMA tập trung vào các nền tảng công nghệ lớn nhất. Các nhà phân tích cho rằng điều đó một phần là do GDPR áp đặt chi phí tuân thủ cao đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, khiến họ gặp bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh có nguồn lực tốt hơn.

Các quan chức EU cho biết, họ muốn thị trường kỹ thuật số trở nên công bằng và cởi mở hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Họ cũng hy vọng các quy định mới sẽ giúp nuôi dưỡng các ý tưởng đột phá và có khả năng thách thức các công ty công nghệ lâu đời.

“Đó là những gì chúng tôi thực sự muốn đạt được và đây là một dự án dài hạn”, Alberto Bacchiega, một trong những quan chức EU chịu trách nhiệm thực thi DMA, nói.

Tiền phạt do vi phạm các quy tắc nội dung trực tuyến của DSA có thể lên tới 6% doanh thu toàn cầu của một công ty công nghệ và lên tới 20% nếu liên tục vi phạm các quy tắc cạnh tranh kỹ thuật số từ DMA. EU cũng có quyền buộc các công ty công nghệ phải chẻ nhỏ nếu họ liên tục vi phạm các quy tắc cạnh tranh.

Lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ cũng đang chuẩn bị cho cách các quan chức EU quyết định vào đầu tháng 9 để xác định những gì nằm trong và bên ngoài của các nền tảng cốt lõi của họ theo luật DMA. Chẳng hạn, một điều khoản yêu cầu cái gọi là “các công ty gác cổng” phải tách biệt dữ liệu người dùng giữa các nền tảng cốt lõi trừ khi họ nhận được sự đồng ý rõ ràng của người dùng. Meta đã tranh luận trong các cuộc họp với Ủy ban châu Âu rằng, dịch vụ Messenger của công ty nên được coi là tích hợp hoàn toàn với nền tảng mạng xã hội Facebook.

Amazon và nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zalando đã khiếu nại chỉ định của EU yêu cầu họ tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt nhất của luật DSA. TikTok đã kêu gọi EU không chỉ định công ty là “người gác cổng”. Theo DMA, các nền tảng công nghệ được xem là “người gác cổng” nếu chúng có tác động đáng kể đến thị trường nội khối EU và đóng vai trò là cổng kết nối giữa người dùng doanh nghiệp và người dùng cuối (thường là người tiêu dùng)

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-cong-nghe-my-chay-dua-tuan-thu-cac-quy-dinh-kiem-soat-moi-o-chau-au/