Ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ, Hàn Quốc

Mặc dù Trung Quốc tiếp tục duy trì lợi thế tổng thể trên thị trường đóng tàu thế giới, nhưng sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và đóng tàu tiên tiến của nước này, đặc biệt là công nghệ vật liệu mới, vẫn tụt hậu so với các nước phát triển.

Một xưởng đóng tàu tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).

Một xưởng đóng tàu tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).

Nhận định trên được Giám đốc Viện nghiên cứu 725 của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, ông Wang Qihong, đưa ra.

Theo ông Wang Qihong, Trung Quốc cần tăng cường nghiên cứu các vật liệu hàng hải tiên tiến để củng cố vai trò trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu, trong khi cố gắng thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ và Hàn Quốc. Bởi lẽ, khoảng cách này đã hạn chế đáng kể năng lực đóng tàu và khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc.

Theo Clarkson Research, nhà cung cấp dữ liệu vận chuyển và thương mại, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước nhận đơn đặt hàng đóng tàu toàn cầu hàng đầu vào năm 2021 về khối lượng hằng năm.

Năm 2023, Trung Quốc đã củng cố vị trí thống trị trong ngành đóng tàu bằng cách chiếm 50,2% khối lượng hoàn thành của thế giới, 66,6% đơn đặt hàng mới và 55% đơn đặt hàng tồn đọng, đẩy thị phần của quốc gia này lên mức cao lịch sử.

"Trung Quốc về cơ bản có thể đạt được khả năng tự cung tự cấp về thiết bị kỹ thuật hàng hải nói chung và hỗ trợ vật chất cho các tàu chính, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn trong nghiên cứu cơ bản về vật liệu tiên tiến cho các tàu có giá trị cao và trong điều kiện làm việc khắc nghiệt" - ông Wang Qihong nêu rõ, và đề cập đến các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tàu du lịch lớn và tàu nghiên cứu vùng cực.

Hiện nay, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu về các đơn đặt hàng có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như đối với các tàu chở LNG. Tuần trước, nước này cũng công bố kế hoạch đầu tư 5 năm để mở rộng lợi thế trong ngành đóng tàu trụ cột, có trị giá 9 nghìn tỷ won (tương đương 6,75 tỷ USD), với ba nhà sản xuất tàu lớn của Hàn Quốc là HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering, Samsung Heavy Industries và Hanwha Ocean, để đảm bảo một "khoảng cách vượt trội" cho công nghệ đóng tàu của quốc gia trước các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Công nghiệp đóng tàu quốc gia Trung Quốc hồi tháng trước đã chỉ ra rằng, Trung Quốc vẫn không thể sản xuất 5 thành phần chính cho các tàu như vậy, nơi lưu trữ LNG ở nhiệt độ cực thấp. Trong khi các vật liệu và công nghệ chủ chốt chủ yếu nằm trong tay các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ở châu Âu, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Điều này cũng dẫn tới không ít hệ quả. Ví dụ như những vấn đề liên quan đến bảo vệ chống ăn mòn trên tàu do Trung Quốc đóng, chỉ được giải quyết khi phát sinh, chứ chưa thể phòng ngừa bằng công nghệ vật liệu.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nganh-cong-nghiep-dong-tau-trung-quoc-muon-thu-hep-khoang-cach-voi-my-han-quoc-660599.html