Ngành 'công nghiệp không khói' của Thanh Hóa thiếu hụt nguồn nhân lực

Thanh Hóa triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của đào tạo và tái đào tạo lao động. Đồng thời, tỉnh này tăng cường mối liên kết giữa đào tạo và sử dụng lao động du lịch, kết hợp chặt chẽ giữa 3 'nhà' là nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, ngành du lịch Thanh Hóa có sự phát triển mạnh mẽ; giai đoạn 2021-2023, đã đón khoảng 26.460.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,8%/năm, luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về số lượng du khách.

Toàn tỉnh hiện có 83 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, gồm có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 63 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 4 chi nhánh công ty du lịch. Hệ thống hạ tầng lưu trú trong tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ với khoảng 1.300 nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú với tổng lượng phòng đạt khoảng 47.300 phòng. Cùng với đó, tỉnh này chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được quan tâm, chú trọng, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhằm hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của ngành du lịch Thanh Hóa, đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 51.800 lao động trong ngành du lịch, trong đó có 280 lao động quản lý nhà nước, hơn 37.000 lao động trong các doanh nghiệp du lịch, hơn 13.000 lao động du lịch cộng đồng; số lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng chiếm tỉ lệ cao nhất với khoảng 65-70%. Tổng số lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 42.600 lao động, chiếm 82.2%, trong đó có 5.420 lao động có trình độ đại học trở lên; 17.050 lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 300 hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động, trong đó có 176 hướng dẫn viên nội địa, 42 hướng dẫn viên tại điểm, còn lại là hướng dẫn viên quốc tế, sử dụng các ngoại ngữ chủ yếu như: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Pháp, tiếng Lào; số nhân lực sử dụng thành thạo ngoại ngữ chiếm khoảng 5%/tổng nhân lực toàn ngành, tập trung chủ yếu là tiếng Anh.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 5 cơ sở đào tạo có chuyên ngành về du lịch, gồm: 2 trường đào tạo bậc đại học, 2 trường đào tạo bậc cao đẳng, 1 trường đào tạo bậc trung cấp về du lịch.

Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở đào tạo này đã tuyển sinh được khoảng 1.400 học viên ngành du lịch hệ đại học, cao đẳng; 4.350 học sinh hệ trung cấp; 3.390 học sinh hệ sơ cấp và 4.950 học sinh cho các khóa đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng; các cơ sở đào tạo du lịch đã đẩy mạnh liên kết đào tạo và tái đào tạo nghề du lịch với các đơn vị kinh doanh; cùng với đó, chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Dự báo nhu cầu lao động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 cần khoảng 62.000 người.

Dự báo nhu cầu lao động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 cần khoảng 62.000 người.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm cùng với tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến tâm lý gắn bó với nghề du lịch của người lao động, khiến nhiều lao động bỏ nghề, chuyển nghề, gây thiếu hụt và giảm sút nhân lực du lịch có kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh. Đa số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh Thanh Hóa có quy mô vừa và nhỏ, không đủ nguồn lực và chưa chú trọng nhiều đến việc đào tạo và tái đào tạo thường xuyên cho lao động, nhất là trong bối cảnh những tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày càng cao, hội nhập quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực du lịch.

Dự báo nhu cầu lao động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 cần khoảng 62.000 người, tăng thêm 10.200 lao động so với hiện nay; trong đó phấn đấu 45% lao động trong các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề do Hội đồng cấp chứng chỉ Du lịch Việt Nam cấp; 80% lao động du lịch sử dụng thành thạo tin học và 15% sử dụng thông thạo ngoại ngữ giao tiếp.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp chủ yếu như tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch; nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của đào tạo và tái đào tạo lao động, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp của doanh nghiệp nói riêng và hình ảnh du lịch của tỉnh nói chung; tích cực đổi mới chương trình đào tạo thông qua việc tăng cường mối liên kết giữa đào tạo và sử dụng lao động du lịch, kết hợp chặt chẽ giữa 3 "nhà" là nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn nhân lực du lịch, các nội dung đào tạo cần được thiết kế xây dựng thực chất, phù hợp với bối cảnh mới hiện nay.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-cong-nghiep-khong-khoi-cua-thanh-hoa-thieu-hut-nguon-nhan-luc.htm