Ngành công nghiệp ô tô đỡ 'nghiện vốn' sau các khoản chi tiêu chưa từng có cho xe điện
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, giảm chi tiêu và cắt giảm nhân sự sau một thời kỳ đầu tư khổng lồ vào các công nghệ xe điện (EV) và xe tự lái.
Mặc dù những công nghệ này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu tương lai, tốc độ áp dụng chậm và lợi nhuận chưa rõ ràng đã buộc các nhà sản xuất phải điều chỉnh chiến lược.
Ngành ô tô được ví như một "kẻ nghiện vốn" khi liên tục bơm hàng trăm tỷ USD vào các dự án xe tự lái và EV. Theo công ty tư vấn AlixPartners, tổng chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng vốn đầu tư của 25 công ty ô tô hàng đầu đã tăng từ 200 tỷ USD năm 2015 lên 266 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này chưa mang lại lợi nhuận xứng đáng trong ngắn và trung hạn.
General Motors (GM) và Ford, hai ông lớn của ngành, đã chứng kiến chi phí tăng lần lượt 62% và 18% trong cùng giai đoạn, nhưng doanh số toàn cầu lại giảm. Trong khi đó, các startup như Rivian và Lucid đã tiêu tốn hàng tỷ USD tiền mặt để mở rộng sản xuất nhưng vẫn chịu lỗ trên mỗi chiếc xe bán ra.
Cố Giám đốc điều hành Fiat Chrysler, ông Sergio Marchionne, từng cảnh báo về chi tiêu lãng phí trong ngành qua báo cáo nổi tiếng Confessions of a Capital Junkie (Tâm sự của kẻ nghiện vốn). Báo cáo này, công bố năm 2015, nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất nên hợp tác để chia sẻ chi phí, thay vì đầu tư trùng lặp vào những sản phẩm không tạo giá trị.
Các biện pháp "cai nghiện"
Trước những thách thức này, các nhà sản xuất đang chuyển hướng cắt giảm chi phí để cải thiện lợi nhuận. GM và Ford đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm hàng tỷ USD chi phí cố định, bao gồm cả việc sa thải nhân viên.
Các công ty như Nissan, Volkswagen và Stellantis còn thực hiện những thay đổi sâu rộng hơn, bao gồm tái cơ cấu toàn bộ hoạt động kinh doanh và đóng cửa một số nhà máy.
Ông Oliver Blume, Chủ tịch kiêm CEO của Volkswagen, gần đây chia sẻ rằng công ty sẽ chi 900 triệu euro để tái cơ cấu, đối phó với nhu cầu yếu ở châu Âu và lợi nhuận sụt giảm tại Trung Quốc. Tương tự, GM đang tìm cách tái đàm phán với đối tác lớn tại Trung Quốc để duy trì lợi thế tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang làm lung lay vị thế của những "gã khổng lồ" như GM, Volkswagen và Honda tại thị trường tỷ dân này. Từ một quốc gia tiêu thụ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu xe lớn, làm tăng áp lực cạnh tranh lên các hãng xe phương Tây vốn đã phải đối mặt với chi phí sản xuất và giá nguyên liệu cao.
Hợp tác và tái cấu trúc
Nhận thấy cần phải thay đổi, nhiều hãng xe đã tăng cường hợp tác để chia sẻ chi phí phát triển. GM và Hyundai, cũng như Rivian và Volkswagen, đã ký kết các thỏa thuận nhằm cùng phát triển các công nghệ mới. Dù vậy, không phải tất cả các quan hệ hợp tác đều thành công. Ví dụ, Rivian và Ford đã hủy kế hoạch đồng phát triển xe EV chỉ sau hai năm hợp tác.
Stellantis, công ty ra đời từ sự hợp nhất của Fiat Chrysler và PSA Groupe, là minh chứng cho thấy sáp nhập quy mô lớn không luôn mang lại lợi ích tức thì. Dù đạt kỷ lục lợi nhuận năm ngoái, Stellantis gặp khó khăn tại thị trường Mỹ do thiếu đầu tư vào sản phẩm mới và chi phí cắt giảm quá mức.
Ngành công nghiệp ô tô đang đứng trước một giai đoạn chuyển mình đầy khó khăn nhưng cũng tiềm năng. Dù phải giảm tốc độ đầu tư vào EV và xe tự lái, các hãng xe đang tìm cách tối ưu hóa nguồn lực để cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận.
Các quan hệ đối tác, cải tiến quy trình sản xuất và chiến lược định giá mới được kỳ vọng sẽ giúp ngành ô tô vượt qua giai đoạn "cai nghiện vốn" này, mở ra cơ hội phát triển bền vững hơn trong tương lai.