Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu 'ăn nên làm ra' giữa chiến sự Ukraine
Doanh thu của nhiều công ty quốc phòng châu Âu tăng mạnh sau khi bùng phát chiến sự tại Ukraine do các nước EU đẩy mạnh bỗ trợ vũ khí cho Kiev và bổ sung kho dự trữ vũ khí đang thiếu hụt.
Kế hoạch mua vũ khí viện trợ sắp tới cho Ukraine trị giá 2 tỷ euro (2,1 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) được kỳ vọng sẽ là cú hích cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày vừa kết thúc hôm 9/3, các bộ trưởng quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận tạm thời cùng mua đạn pháo 155 ly viện trợ cho Ukraine, đồng thời gửi thêm viện trợ quân sự cho Kiev từ kho dự trữ vũ khí của EU
Trước đó, phát biểu tại hội nghị ở Stockholm (Thụy Điển) hôm 8/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết Kiev cần hỗ trợ khoảng 1 triệu viên đạn "càng sớm càng tốt" để ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Nga.
Quyết định cuối cùng về gói hỗ trợ vũ khí trên dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 20/3 khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của EU nhóm họp tại Brussels.
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đã buộc EU phải thực hiện những điều chưa từng có tiền lệ, bao gồm viện trợ vũ khí sát thương cho một nước thứ ba. Động thái này cho thấy mối lo ngại thật sự của châu Âu đối với cuộc chiến này.
Ông Micael Johansson, giám đốc điều hành của nhà thầu quốc phòng Thụy Điển Saab, nói với CNN: “Tôi nghĩ rằng nhiều nước EU đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh và tăng tốc bổ sung kho dự trữ vũ khí của họ. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong vài năm tới".
Các nhà đầu tư đã phát hiện ra cơ hội này, đổ dồn vào cổ phiếu ngành quốc phòng trong những tháng gần đây khi các đồng minh của Ukraine tại châu Âu tăng cường hỗ trợ quân sự, và một số nước tìm cách bổ sung kho dự trữ vũ khí đang thiếu hụt.
Chỉ số phản ánh cổ phiếu 25 công ty quốc phòng hàng đầu châu Âu (STOXX Europe Total Market Aerospace and Defense) đã tăng 41% kể từ cuối tháng 9/2022. Còn chỉ số toàn cầu MSCI World Aerospace and Defense cũng tăng 26% so với cùng kỳ.
EU tiếp tục sát cánh cùng Ukraine
Khi cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ 2, EU, cùng với Mỹ và Anh, đã một lần nữa khẳng định quyết tâm và sự ủng hộ của họ với chính phủ Kiev. Sự ủng hộ này đã chuyển thành những cam kết sâu rộng hơn về chi tiêu quốc phòng trong những tuần gần đây.
Đầu tháng 2 vừa qua, EU thông báo liên minh này có thể hỗ trợ thêm một khoản từ 575 triệu USD đến 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trước đó, hồi tháng 1, Đức, Pháp, Ba Lan và Anh cũng đã cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine bất chấp lo ngại rằng động thái này có thể làm leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
BAE Systems (BAESF), nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu tính theo doanh thu, đã ghi nhận các đơn đặt hàng kỷ lục trị giá 44 tỷ USD vào năm ngoái, mặc dù phần lớn có liên quan đến các chương trình trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine.
Brad Greve, giám đốc tài chính của BAE Systems, tuần trước nhận định rằng khi chính phủ các nước biến nhu cầu thành đơn hàng thì tác động của nỗ lực bổ sung vũ khí sẽ đến - yếu tố có thể góp phần tạo nên chu kỳ tăng trưởng dài hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Cổ phiếu BAE Systems đã tăng 55% kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Công ty dự báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu - thước đo khả năng sinh lời - sẽ tăng từ 5-7% trong năm 2023.
Tại Đức, Rheinmetall (RNMBF) - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước này, hôm 8/3 cho biết họ hy vọng sẽ một nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu đấu trị giá 200 triệu euro (khoảng 211 triệu USD) ở Ukraine, có khả năng sản xuất khoảng 400 xe tăng/năm. Đây là dấu hiệu rằng các công ty quốc phòng đang chuẩn bị cho nhu cầu mua bán vũ khí gia tăng trong nhiều năm tới.
Trước đó, hồi tháng 2/2023, Cao ủy EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell, tuyên bố rằng Ukraine nên có tất cả các thiết bị quân sự cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của mình. "EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần” - quan chức EU nói.