Ngành Công Thương Quảng Ninh tích cực đẩy nhanh chuyển đổi số
Ngành Công Thương Quảng Ninh đang tích cực đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn địa phương.
Số hóa trong quản lý điều hành
Hiện, 100% thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh theo lĩnh vực công thương được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Được ủy quyền phê duyệt 100% TTHC thuộc thẩm quyền phê duyệt của Sở cho cán bộ làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. 100% TTHC được niêm yết công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, ngành Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng chuyên mục hoạt động xuất nhập khẩu trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương. Cập nhật thường xuyên, kịp thời các quy định chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường xuất nhập khẩu và các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có cửa khẩu triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, nhằm tạo giải pháp tự động hóa quy trình xuất nhập khẩu.
Hiện nay, ngành Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng sẽ hoàn thiện được cơ sở dữ liệu về công nghiệp, thương mại của ngành Công Thương với mục đích cung cấp số liệu chuyên ngành để phục vụ công tác kết nối cơ sở dữ liệu chung của tỉnh.
Duy trì 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công Thương được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 99%; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại nhằm kết nối có hiệu quả với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số quốc gia; 100% hoạt động quản lý, điều hành trong cơ quan nhà nước của ngành Công Thương tỉnh được chuyển đổi số toàn diện; 100% nguồn dữ liệu không phải dữ liệu mật của Sở Công Thương được người dân, doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác trên cổng dữ liệu mở của tỉnh…
Phát triển mạnh thương mại điện tử
Bên cạnh số hóa TTHC, Ngành Công Thương Quảng Ninh cũng đang tích cực thực hiện phát triển thương mại điện tử (TMĐT) qua việc ứng dụng linh hoạt các hoạt động bán hàng trực tuyến thông qua các kỳ hội chợ, tuần xúc tiến thương mại, kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT…
Được biết, từ năm 2019 đến nay, hầu hết các kỳ hội chợ, tuần xúc tiến thương mại đều có các hoạt động bán hàng trực tuyến, đã giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp; giúp cho người tiêu dùng dần tiếp cận với hình thức mua bán trực tuyến, giảm thời gian, chi phí và đóng góp quan trọng vào công tác chuyển đổi số trong thương mại của ngành Công Thương. Cùng với đó, các chương trình kết nối, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT lớn: Voso, Sendo, Shoppe, Postmart… cũng đang được thực hiện tích cực và chủ động với nhiều hoạt động hiệu quả.
Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước phát triển. Theo số liệu Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ ứng dụng thương mại điện tử của Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, địa chỉ http://online.gov.vn), từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 144 website về thương mại điện tử trong đó có 138 website có chức năng bán hàng, 06 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Phối hợp với Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương hỗ trợ mở gian hàng cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh trên 08 sàn TMĐT (Sàn postmart.vn; Voso; Sendo; Shopee; Tiki; dongtrieumart và 02 sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn/) với hàng nghìn sản phẩm của tỉnh.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, chia sẻt: Để thực hiện lộ trình chuyển đổi số của ngành Công Thương, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm qua môi trường internet, thanh toán qua mạng Internet. Bên cạnh đó, thời gian tới, nhiều tính năng mới sẽ được bổ sung cho sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh.
Cũng theo lãnh đạo ngành Công Thương Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án của Chính phủ về đơn giản hóa và công khai, minh bạch thủ tục hành chính, chế độ giao dịch hành chính điện tử, nâng cao chất lượng của cổng thông tin điện tử của tỉnh và website của các sở, ngành. Đồng thời, tăng cường phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng cá nhân. Tham gia xây dựng chính quyền điện tử và đào tạo công dân điện tử.
Ngành Công Thương Quảng Ninh đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, công nghệ số trong sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, triển khai xây dựng hệ thống quản lý thông minh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, hình thành các khu công nghiệp thông minh…
Tiến Dũng