Ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ luôn là một thế lực cạnh tranh gay gắt với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) do Nga và Saudi Arabia dẫn đầu.
Hiện tại, trước việc OPEC+ đang thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng một cách đáng kể và đột ngột, Mỹ có cơ hội bắt kịp và vượt qua họ trong các chỉ số cạnh tranh chính cho năm 2023.
Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra nguồn cung tốt trên thị trường dầu mỏ, từ đó dẫn tới giá dầu thấp.
Công ty tư vấn Rystad Energy tính toán rằng trong khi OPEC và các đồng minh tuyên bố cắt giảm khoảng 6% sản lượng năm 2022, thì 2/3 số thùng dầu bị thiếu đó đã được các nhà sản xuất Mỹ lấp đầy, phần còn lại, đáng ngạc nhiên lại đến từ Nga.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tổng sản lượng khai thác dầu của nước này trong năm nay sẽ đạt 12,61 triệu thùng/ngày, vượt qua kỷ lục trước đó là 12,32 triệu thùng.
Nhưng bất chấp chi phí đáng kinh ngạc cũng như vi phạm nhiều tiêu chuẩn môi trường, các công ty dầu đá phiến Mỹ vẫn thách thức OPEC+, mặc dù rõ ràng đây sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế.
Chi phí khai thác tăng mạnh, giá thành nguyên liệu thô giảm và lượng lao động cũng như thiết bị tồn kho hạn chế là những thách thức lớn, cản trở nỗ lực tăng sản lượng và duy trì mức kỷ lục của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Họ sẽ không thể chịu gánh nặng như vậy trong một thời gian dài, đặc biệt khi tình hình với các hợp đồng đã ký với khối lượng lớn, cũng như tiềm năng chung của OPEC+, đơn giản là sẽ không cho phép duy trì chi phí cao trong một thời gian đáng kể.
Cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ đã thay đổi đáng kể thị trường năng lượng toàn cầu. Sự bùng nổ đá phiến sét là một trong những câu chuyện tăng trưởng ấn tượng nhất đối với nền kinh tế thế giới.
Kể từ khi ngành dầu đá phiến "cất cánh" vào năm 2008 cho đến khi Lưu vực Permian "đánh cắp vòng nguyệt quế" từ mỏ Ghawar của Saudi Arabia, với tư cách là mỏ dầu có sản lượng cao nhất thế giới - quá trình này xảy ra chỉ trong hơn một thập kỷ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của toàn ngành không phải là "thi đấu đẹp mắt" hay "thi đấu thể thao nhằm giành huy chương", mà đó là sản xuất lâu dài và mang về lợi nhuận ổn định.
Do vậy, nỗ lực của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, vốn mang lại kết quả đáng kinh ngạc tạm thời sẽ sớm quay trở lại với thua lỗ và suy giảm. Hơn nữa, số lượng giàn khoan và giếng hoạt động tiếp tục giảm đều đặn.
Về tương lai, có lẽ cả ngành sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng như khai thác mỏ truyền thống của Tổ chức OPEC+ đều phải đối diện nguy cơ lớn đến từ năng lượng tái tạo cùng với những nguồn nhiên liệu được xem là "xanh" khác.
Đây là xu hướng không thể đảo ngược, do vậy có lẽ những quốc gia này nên tập trung khai thác khi thế giới còn đang phụ thuộc, thay vì sản xuất cầm chừng rồi chứng kiến sản phẩm của mình trở nên thừa thãi vì không có nhu cầu.