Ngành dầu khí làm gì để giảm phát thải carbon?

PVN đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược Chuyển đổi năng lượng xanh, hướng đến giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu nhiều giải pháp

Từ năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển dịch năng lượng bao gồm ban tổng giám đốc tập đoàn, lãnh đạo các ban tập đoàn và tổng giám đốc các đơn vị thuộc PVN. Tập đoàn đã ban hành các văn bản chỉ đạo về chuyển dịch năng lượng, trong đó đưa ra định hướng cho từng lĩnh vực cốt lõi.

Thực hiện chương trình chống biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, PVN đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược Chuyển đổi năng lượng xanh nhằm chuyển đổi các hoạt động và chuỗi giá trị của PVN theo hướng tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; phát triển công nghiệp khí hydro và phát triển điện gió ngoài khơi.

Người lao động Cửu Long JOC trên giàn Sư Tử Trắng.

Người lao động Cửu Long JOC trên giàn Sư Tử Trắng.

Trong đó, CCS được xem là một trong các biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. Trong thời gian qua, PVN và các đơn vị như VPI, Vietsovpetro, PVEP… đã tích cực phối hợp với các đơn vị như Cơ quan An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC) để nghiên cứu tiềm năng CCS tại các bể dầu khí Việt Nam. Qua quá trình triển khai hợp tác với JOGMEC giai đoạn 1, hai bên đã đạt được nhiều kết quả bước đầu.

Hiện nay, tại Việt Nam, lĩnh vực điện và công nghiệp phát thải lần lượt 136 và 88 triệu tấn/năm. Trong đó, theo nghiên cứu đánh giá tiềm năng lưu giữ CO2 ở các bể trầm tích 186 triệu tấn, đủ để lưu giữ CO2 phát thải trong 831 năm. Đây là cơ sở để PVN tích cực triển khai các dự án CCS/CCUS trong tương lai nhằm bảo đảm thực cam kết trung hòa carbon trong Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023.

Ngoài ra, PVN định hướng từ năm 2025-2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen "sạch"; tìm kiếm các nguồn tài chính để triển khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí.

Từ năm 2030-2045, tập đoàn sẽ sản xuất thương mại hydrogen "sạch" sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen "sạch" cho các thị trường trong khu vực, thế giới

Chung tay thực hiện cam kết

Thực hiện chủ trương của PVN, nhiều đơn vị thành viên của PVN cũng đang tích cực chuyển đổi xanh. Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là ví dụ. Theo thống kê tương đối trong vòng 5 năm từ năm 2017-2022, phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của PVEP và các đơn vị dự án là 10,58 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, hai nguồn phát thải lớn nhất là quá trình đốt nhiên liệu từ các giàn và đốt đuốc...

PVEP đặt ra lộ trình giảm phát thải ròng đến năm 2030 giảm 20%, năm 2040 giảm 50% và Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP sẽ tập trung vào các giải pháp gồm: nỗ lực giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu; lưu giữ và tàng trữ carbon (CCS/CCUS); mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp; Tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp carbon trên cơ sở trồng rừng.

Giàn công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng, mỏ Sư Tử Vàng, Lô 15-1.

Giàn công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng, mỏ Sư Tử Vàng, Lô 15-1.

Trong đó, giải pháp được PVEP quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS (Carbon Capture Storage) - thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó vận chuyển đến các điểm lưu giữ lâu dài.

Cụ thể, thu hồi CO2 từ các nhà máy xử lý khí, nhà máy điện, nhà máy xi măng, thép. Thông qua hệ thống vận chuyển bằng đường ống, xe bồn, tàu để chế biến ra hóa chất, nhiên liệu tổng hợp, vật liệu xây dựng hoặc chôn vào lòng đất, lòng biển. Đối với PVEP, giải pháp chôn lấp CO2 vào lòng biển được ưu tiên nghiên cứu, lựa chọn do có lợi thế về cơ sở hạ tầng ngoài biển và kiến thức về địa chất.

PV GAS cũng xây dựng, triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng với những định hướng chính bao gồm: nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các "Hub nhập khẩu" kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí…

"Nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh Green H2, Green NH3 trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới", PV GAS định hướng.

Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh với thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực, PVN hoàn toàn có lợi thế và sẵn sàng, chủ động triển khai thực hiện các dự án CCS/CCUS trong bối cảnh giảm phát thải CO2 là xu hướng tất yếu.

Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đề nghị các bộ phận liên quan tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát hoàn thiện báo cáo tiềm năng về lưu trữ carbon tại Việt Nam để từ đó Petrovietnam có cơ sở nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, lộ trình cụ thể cho việc triển khai CCS/CCUS.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị các ban chuyên môn nghiên cứu đánh giá việc triển khai bơm ép CO2 nhằm tăng cường thu hồi dầu trong các mỏ đang khai thác, cũng như có các kiến nghị, đề xuất tới các bộ/ngành, cơ quan liên quan để xây dựng khung pháp lý triển khai cho các dự án này.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nganh-dau-khi-lam-gi-de-giam-phat-thai-carbon-192231014090542783.htm