Ngành dệt may nỗ lực để 'xanh hóa'

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc đang chứng kiến sự hồi phục của các đơn hàng nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường và những nỗ lực chuyển đổi xanh.

Tháng 5/2024, ngành sản xuất may mặc tiếp tục cho thấy những suy giảm nhu cầu khi tăng tồn kho là 20% so với tháng trước. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đang chứng kiến sự hồi phục của các đơn hàng nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường và những nỗ lực chuyển đổi xanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa đối với môi trường thì xu hướng xanh và phát triển bền vững sẽ tiếp tục là xu hướng của tương lai. Tuy nhiên, hiện tại thị trường cầu yếu đặt ra nhiều thách thức đối với việc triển khai các giải pháp cho xu hướng này.

Khó chồng khó

Kết quả khảo sát doanh nghiệp quý II/2024 do Hội doanh nghiệp TP.HCM cho thấy, số doanh nghiệp giảm doanh thu tăng vọt lên mức 30,4%, lượng hàng tồn kho tăng lên 34,0%, dư nợ tăng 42,0% là những dấu hiệu chỉ báo thị trường đang dần xấu đi, doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng hóa hơn trước.

Riêng lĩnh vực sản xuất dệt may bắt đầu có đơn hàng trở lại cho tới cuối năm do những nỗ lực tìm kiếm thị trường mới và chuyển đổi số, chuyển dịch xanh, chào mời giá cạnh tranh.

Doanh nghiệp xanh được đánh giá cao khi có nhà xưởng, khu công nghiệp xanh, có quy trình sản xuất xanh, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải, thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc và hệ thống phúc lợi tốt cho người lao động, áp dụngcác công nghệ mới, sạch, tự động hóa và sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió, nước…), hệ thống thông gió tự nhiên, các nguyên liệu có thể tái chế, thu gom và có hệ thống xử lí chất thải tốt giúp kiểm soát, xử lý lượng chất thải thải ra môi trường.

Từ góc độ quản lý, Chính phủ sẽ đánh thuế trên số lượng sản phẩm tiêu dùng tại nguồn sản xuất và tại các kênh phân phối. Sắc thuế mới được áp dụng dẫn đến giá sản phẩm tăng lên. Những yêu cầu về trách nhiệm xã hội mới theo xu thế giảm thiểu phát thải carbon, sử dụng công nghệ sạch, vận động và hình thành văn hóa tiêu dùng mới… có thể dẫn tới giảm số lượng sản phẩm tiêu dùng.

Các rào cản tài chính cụ thể được áp đặt thay thế cho sự khuyến khích sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường hàng hóa thời trang trong thời gian tới. Với yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tuổi thọ sản phẩm dài ra, khả năng tuần hoàn của sản phẩm, đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm được nhấn mạnh.

Yêu cầu về chất lượng, trong đó đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh và trở thành tiêu chuẩn để lựa chọn nhà cung cấp là thách thức trong trung và dài hạn đối với nhà sản xuất; Đồng thời, các sắc thuế tài chính nhằm hạn chế lượng tiêu dùng, dẫn đến chi phí cơ hội tăng cao trong khi quy mô thị trường về mặt số lượng có nguy cơ giảm. Nhà sản xuất phải đối diện với thách thức bao gồm cả xử lý thay đổi công nghệ và việc từng bước tối ưu hóa quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Chậm “xanh” hóa có thể bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng

Hiện đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc tế ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” về thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải.

Tuy vậy, theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HDQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 80% trong tổng số 7.000 doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm xanh không phải vấn đề đơn giản. Trong khi hệ thống tài chính xanh còn non trẻ, các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính, bao gồm cả huy động vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Nhưng tuân thủ quy định về sản xuất xanh là lựa chọn không thể khác trong chiến lược phát triển trung và dài hạn, để có thể bắt kịp sự chuyển động của thị trường cũng như xu thế chung của thế giới. Nên một số doanh nghiệp nội địa cũng đã từng bước đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Một trong số đó, Công ty TNHH Việt Thắng Jean vừa đưa công nghệ xanh vào sản xuất áp dụng với hàng denim, thay vì phải in và sử dụng hóa chất, màu… như trước đây, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ laser, không ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ tự động cắt, công nghệ laser tạo hiệu ứng trên mặt vải, công nghệ nano nhuộm màu, công nghệ giặt xả của Thổ Nhĩ Kỳ… Những máy móc, công nghệ hiện đại này giúp Việt Thắng Jean đạt được chứng nhận Oeko-Tex, là một xác nhận sự an toàn về mặt sinh thái và con người của các sản phẩm dệt, đồ da, từ tất cả các giai đoạn sản xuất dọc theo chuỗi giá trị dệt may.

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh thế giới hiện tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch vào sản xuất công nghiệp, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Các FTA thế hệ mới đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Các sản phẩm nhãn hàng ngày càng được đánh giá khắt khe hơn về yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (DN) về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới, cũng như trong nước.

Phạm Thủy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-det-may-no-luc-de-xanh-hoa-90219.html