Ngành điện ảnh: Bao giờ mới giải được 'bài toán' thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay?

Ngày 29/3, tại Nhà Quốc hội, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội nêu quan điểm: Đến bao giờ chúng ta mới giải được bài toán thừa kịch bản yếu, nhưng lại thiếu kịch bản hay?

Xây dựng nền điện ảnh chuyên nghiệp, hiện đại

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

So với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới.

“Đến nay dự thảo Luật đã đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh, công nghiệp điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, một số ý kiến đề nghị các chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh nên quy định tại một điều. Một số ý kiến đề nghị quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nêu, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung thêm một số chính sách theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Bên cạnh đó, gộp điều 5 và điều 6, quy định chung chính sách về điện ảnh và công nghiệp điện ảnh trong điều 5 của dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện; đồng thời lược bỏ một số quy định trùng lặp về công tác quản lý nhà nước đã được quy định ở Điều 45 Luật này.

Về một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại gắn với du lịch, giải trí, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, việc xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng, cần kinh phí lớn, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội.

Để bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả đầu tư các trường quay, cần có cơ chế gắn kết trường quay với các hoạt động du lịch, giải trí. Do vậy, quy định như dự thảo Luật cho phép Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng trường quay- ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Trước đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

“Ươm mầm” để tạo ra những kịch bản cho bộ phim hay

Cho ý kiến về việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương cho rằng, nếu ngay khâu đầu tiên tiếp cận với dịch vụ sản xuất phim, các tổ chức, cá nhân làm phim nước ngoài đã vấp ngay rào cản là phải cung cấp kịch bản phim đầy đủ thì sẽ dẫn đến việc là họ sẽ không mặn mà với việc sử dụng dịch vụ.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - đoàn Bạc Liêu phát biểu ý kiến

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - đoàn Bạc Liêu phát biểu ý kiến

“Lý do là kịch bản phim đầy đủ sẽ liên quan đến vấn đề bản quyền, đến ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, tránh bị copy ý tưởng. Sẽ ra sao nếu như phim chưa ra mắt khán giả mà ý tưởng kịch bản đã bị đánh cắp, sao chép" - đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương bày tỏ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang cho rằng, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, chúng ta mong muốn thu hút các nhà làm phim đến Việt Nam sử dụng các bối cảnh của Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, các quy định của chúng ta làm quá chặt chẽ.

“Quan trọng tác phẩm đưa ra không vi phạm Điều 9 - những điều cấm của Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì chúng ta hoàn toàn đồng ý việc các cảnh quay tại Việt Nam được xuất hiện trong phim còn không nhất thiết phải quy định các vấn đề khác. Ngoài ra, vấn đề cấp phép, phân loại phim cần rà soát đảm bảo thủ tục chặt chẽ nhưng linh hoạt, tránh rườm rà, mất thời gian” - đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị.

Đặt vấn đề: “Đến bao giờ chúng ta mới giải được bài toán thừa kịch bản yếu, nhưng lại thiếu kịch bản hay? thậm chí có những cuộc thi cũng chưa tìm được những tác phẩm xuất sắc để trao giải nhất?”, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - đoàn Bạc Liêu đề nghị, trong chính sách phải quan tâm đến khâu đầu, “ươm mầm” để tạo ra những kịch bản cho bộ phim hay trong giai đoạn tới.

Theo đại biểu đoàn Bạc Liêu, một bộ phim thành công không chỉ là có kịch bản hay mà còn có yếu tố khác. Tuy nhiên, hầu hết các bộ phim thu hút được sự quan tâm của công chúng, những bộ phim kinh điển, những bộ phim có nhiều tiếng vang thường bắt đầu từ những kịch bản hay mới có sản xuất tốt. Chất lượng kịch bản được nhiều người quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đây là bộ luật khó, có tính chuyên môn sâu, phức tạp. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu nêu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-dien-anh-bao-gio-moi-giai-duoc-bai-toan-thua-kich-ban-yeu-thieu-kich-ban-hay-174082.html