Ngành du lịch cơ cấu lại nguồn khách, mong chờ các giải pháp hỗ trợ để vượt qua ảnh hưởng của COVID-19
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) đang tác động mạnh đến sự phát triển của ngành du lịch trong hai tháng tiên đầu năm 2020. Trong đó, thị trường khách Trung Quốc đã đóng băng và một số thị trường khác đang giảm sự tăng trưởng do lo ngại về sự an toàn.
3 tháng ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD
Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố ước tính thiệt hại vì dịch bệnh COVID-19 trong 3 tháng ở mức 5,9 - 7,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, cùng các thị trường quốc tế khác và thị trường nội địa. Với thị trường Trung Quốc, giảm 100%, tương ứng từ 1,7 - 1,9 triệu lượt người (1,8 - 2 tỷ USD). Các thị trường quốc tế khác được dự báo giảm 50 - 70%, tương đương 2 - 2,8 triệu lượt khách (2,2 - 3 tỷ USD). Thị trường nội địa giảm 50 - 70%, khoảng 10,9 - 15,3 triệu lượt khách (1,9 - 2,7 tỷ USD).
Xét trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều thiệt hại trung bình 1 - 1,8 tỷ USD mỗi ngành.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, việc phục hồi lượng khách sẽ mất rất nhiều thời gian, ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 chấm dứt và kỳ vọng có thể khởi động lại vào khoảng cuối tháng 4 này. Trước mắt, ngành du lịch sẽ tập trung vào kích cầu thị trường nội địa và các thị trường xa ít bị ảnh hưởng.
Thống kê sơ bộ từ địa phương và doanh nghiệp, lượng khách sụt giảm mạnh từ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay. Khánh Hòa là tỉnh có lượng khách Trung Quốc chiếm 70% cơ cấu khách quốc tế, hiện trống khoảng 5.000 phòng nghỉ, kéo theo 5.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và nhiều người dân phụ thuộc vào hoạt động này, rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa chia sẻ, tình trạng này sẽ là gánh nặng các doanh nghiệp khi phải cầm cự trong 2 - 3 tháng tới.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Lượng khách quốc tế sụt giảm tại một số thị trường gần, trong đó nhiều khách sạn giảm 20 - 30%; thậm chí trong tuần qua, có khách sạn chỉ hoạt động 10% công suất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp thành viên, lượng khách hủy, lùi thời gian khởi hành tới 95%. Tour lễ hội gần như đóng băng do yêu cầu không được tập trung đông người… Các doanh nghiệp lữ hành và một chuỗi cung ứng dịch vụ lâm vào hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ từ các đối tác hàng không, cung ứng dịch vụ và cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Kịch bản thiệt hại mà Tổng cục Du lịch đưa ra mới xác định dịch xảy ra trong khoảng 3 tháng. Nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn thì thiệt hại sẽ nặng nề hơn, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ do vốn mỏng.
Dịch COVID-19 đang diễn ra là "tai nạn", nhưng đồng thời là cơ hội để ngành du lịch cơ cấu lại thị trường nguồn khách và không quá phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, các đơn vị có thời gian đào tạo nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm phục vụ khách tốt hơn sau này.
Xây dựng kịch bản kích cầu du lịch nội địa và thị trường xa
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đang tổng hợp thiệt hại từ phía doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch để từ đó đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng, khoanh nợ, giảm lãi suất vay.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Lê Quang Tùng cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ miễn lệ phí visa đối với du khách trong 6 tháng, hoặc từ nay đến cuối năm, để thu hút khách ở những thị trường cấp visa, thị trường mới.
Khi thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh (chiếm gần 30% lượng khách quốc tế), ngành du lịch dự kiến mở rộng thị trường có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ.
Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy thị trường du lịch nội địa khi công bố hết dịch, thông qua các đợt kích cầu của từng nhóm doanh nghiệp dịch vụ, với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch cũng đề xuất UBND các tỉnh, thành xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1 - 2 tháng để kích cầu du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Ngoài những giải pháp doanh nghiệp du lịch có thể “tự cứu mình”, cũng cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và các lực lượng xã hội khác. Theo Tổng Giám đốc HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan, phía doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác về dịch bệnh để có kế hoạch khai thác thị trường và phục hồi từng thị trường. Đồng thời cũng cần biết rõ nguồn lực mà Nhà nước hỗ trợ để kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, hiệp hội nhằm tổ chức chương trình kích cầu sau dịch bệnh.
Còn ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch cũng gợi ý, du lịch Việt Nam nên đẩy mạnh xúc tiến qua mạng xã hội, xúc tiến trực tuyến vì trong lúc có dịch người ta càng online nhiều để tìm kiếm thông tin. Đồng quan điểm này, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Khảo sát về thói quen lựa chọn của khách cho thấy, có tới 75% du khách tìm kiếm thông tin qua internet. Do đó, quảng bá và xúc tiến du lịch trong thời gian tới cần tập trung vào loại hình này để đẩy mạnh phục hồi khi hết dịch.