Ngành Du lịch tái khởi động lạc quan

Sau gần 3 tháng đóng cửa, ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành Du lịch Thái Nguyên đã tái khởi động trở lại bằng tâm lý lạc quan, tự tin. Từ cuối tháng 4, kế hoạch kích cầu du lịch, khôi phục thị trường khách hậu dịch được tỉnh triển khai rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị.

Trong tháng 5, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đón 5.356 lượt khách.

Trong tháng 5, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đón 5.356 lượt khách.

Các đơn vị liên quan tới ngành Du lịch của tỉnh cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm khôi phục thị trường, như thông báo giảm giá một số các dịch vụ lưu trú, tuor, giá vé qua cổng, giá bán hàng lưu niệm và ẩm thực; cùng với đó là một số sản phẩm du lịch mới được chào mời du khách. Tất cả các động thái liên quan tới lĩnh vực du lịch đều hướng vào chủ đề chung: “Thái Nguyên an toàn”, tạo không khí yên tâm cho du khách.

Một thuận lợi là đợt mở cửa trở lại lần này có điểm rơi vào đúng dịp nghỉ lễ 30-4 (giải phóng miền Nam thống nhất đát nước) và Ngầy Quốc tế Lao động 1-5. Tuy cả chủ và khách còn chưa hết dè dặt vì tâm lý lo ngại lây lan dịch bệnh. Nhưng mọi việc đều ổn, do tại các khu, điểm du lịch đã có sự chuẩn bị và chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Tuy nhiên, các doanh nhân trong ngành du lịch cho rằng: Tại các điểm đến, lượng khách có thể tăng trở lại, song không hẳn đã đủ sức “hà hơi thổi ngạt” giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh về kinh tế. Bởi hầu hết lượng khách cơ bản là ở nội tỉnh, quy mô đoàn ít người, phần lớn chỉ đi tham quan trong ngày và ít sử dụng các dịch vụ. Trong điều kiện cụ thể như hiện nay, Nhiều các đơn vị mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái tâm lý e dè, vừa làm vừa nghe ngóng, lựa chiều khách để cân nhắc đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Và trong lúc chờ đợi cơ hội “gặt hái” như các năm trước đây, các đơn vị mở cửa với mục đích giữ chân lao động giỏi, duy trì thương hiệu với thị trường khách, chấp nhận mức lợi nhuận thấp, thậm chí duy trì ở mức hòa vốn.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong tháng Năm, các điểm đến chính của tỉnh đã có bước chân du khách làm ấm áp trở lại. Chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên, cựu chiến binh trong tỉnh theo hành trình về nguồn. Tổng lượng khách đến tham quan đạt 30.454 lượt khách, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng. Cụ thể là Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa đón 1.998 lượt du khách; Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đón 5.356 lượt du khách; Không gian văn hóa Trà Tân Cương đón 800 lượt du khách; Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915 đón 3.300 lượt du khách… Các điểm đến gần gũi với thiên nhiên như Khu du lịch Hồ Núi cốc đón 5.700 lượt du khách; Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà đón 7.300 lượt du khách. Riêng Khu Bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải đã có kế hoạch mở cửa đón khách tham quan từ 1-6. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách giảm 66%, doanh thu giảm 74%. Về khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng Năm đạt 66.000 lượt, doanh thu đạt 8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách giảm 41%; doanh thu giảm 75%. Cả 2 tiêu chí đều giảm sâu, nhưng các chuyên gia trong ngành Du lịch nhận định: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trên toàn cầu, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và thất thu lớn nhất. Nên vừa sau giãn cách xã hội, thì lượng khách và doanh thu đạt như Thái Nguyên đã là một khởi đầu thắng lợi.

Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch chia sẻ: Sau cú sốc nặng vì đại dịch COVID-19, các doanh nhân ngành Du lịch Thái Nguyên đã nhanh chóng lấy lại tinh thần, và nhập cuộc hết mình bằng thái độ phục vụ, chất lượng phục vụ. Còn bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở luôn bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, nắm bắt chắc chắn “thời tiết” du lịch, trên cơ sở đó xây dựng kịch bản khôi phục ngành Du lịch phù hợp với địa phương và thị trường du lịch cả nước. Đặc biệt cuối tháng 4, sau thời gian cách ly toàn xã hội, Sở kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cùng với đó, Sở ban hành công văn hướng dẫn Hiệp hội Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, các khu, điểm du lịch và các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ, xây dựng các chương trình, tour du lịch kích cầu; khuyến mại; giảm giá sẵn sàng phục vụ du khách; hưởng ứng tham gia chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, và người Thái Nguyên đi du lịch Thái Nguyên.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên chia sẻ: Sau “hoạn nạn”, các doanh nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhận thức đầy đủ hơn trong liên kết. Mỗi cá nhân, đơn vị sẽ khó làm nên thương hiệu nếu đứng một mình. Đã có nhiều đơn vị thành viên của Hiệp hội thực hiện giảm giá phòng nghỉ lưu trú, dịch vụ ẩm thực, vé vào cổng, như: Công ty khách sạn Du lịch Dạ Hương, giảm 20% giá phòng khách sạn 3 sao; Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, Km30 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên giảm giá 10%; Công ty cổ phần Khách sạn Du lịch Công đoàn Hồ Núi Cốc giảm giá vé vào cổng từ 10 đến 50% theo thỏa thuận với đoàn khách... Giá giảm, nhưng chất lượng các dịch vụ liên quan đến du lịch không giảm. Đó là thái độ tôn trọng du khách, đồng thời là cơ hội xây dựng thương hiệu của du lịch Thái Nguyên trong tình hình mới.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/nganh-du-lich-tai-khoi-dong-lac-quan-271635-98.html