Ngành giáo dục cần giải bài toán 'lạm phát' điểm chuẩn thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, không có nền giáo dục nào, mỗi môn 10 điểm vẫn trượt đại học, điểm chuẩn vượt ngưỡng tối đa như mùa tuyển sinh đại học tại Việt Nam năm nay. Tình trạng 'lạm phát' điểm chuẩn cho thấy những vấn đề trong khâu ra đề thi và phương thức tuyển sinh.

Mới đây, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển năm 2021 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều đáng chú ý, năm nay nhiều ngành học có mức điểm chuẩn “khủng” lên đến trên 29, thậm chí trên 30 điểm. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh xét tuyển vào 1 số ngành kể cả có đạt mỗi môn 10 điểm cũng vẫn trượt.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước có 61 em trên 29,5 điểm nhưng vẫn không đỗ bất cứ nguyện vọng nào. Bộ GD-ĐT cho biết, trong số 61 em này chỉ có duy nhất 1 em đăng ký 2 nguyện vọng, còn lại chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng. Những con số trên gây ra không ít sự tiếc nuối, bên cạnh sự chủ quan khi đăng ký nguyện vọng của thí sinh, không thể không nói đến những bất thường của một kỳ thi mà thủ khoa cũng khó đỗ như năm nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Không có nền giáo dục nào 30 điểm vẫn trượt đại học, lỗi chắc chắn do khâu ra đề”

Bàn luận về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, điểm chuẩn năm nay là sự bất ngờ lớn với thí sinh, khi đăng ký các nguyện vọng, hầu hết các em đều dựa vào điểm thi các năm trước để lựa chọn, tuy nhiên điểm chuẩn khi công bố có ngành tăng 9 điểm, có ngành lại tăng 5-6 điểm so với năm trước, khiến thí sinh hụt hẫng.

Theo TS Lê Viết Khuyến, điểm chuẩn năm nay tăng vọt do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể thấy rõ lỗi do khâu ra đề. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng câu hỏi khó giảm mạnh, độ phân hóa của đề không cao dẫn tới điểm thi tăng, đặc biệt ở môn tiếng Anh điểm thi tăng mạnh. Trên thực tế, điểm thi tiếng Anh cao không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng với thí sinh thi các khối không có môn này mà còn có sự bất bình đẳng giữa những thí sinh cùng thi tiếng Anh nhưng ở các khu vực khác nhau. Phổ điểm thi tiếng Anh đã cho thấy rất rõ sự chênh lệch điểm giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa những thí sinh có điều kiện học ngoại ngữ và những thí sinh ở khu vực khó khăn hơn.

Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao - ĐH Hồng Đức có điểm chuẩn lên đến 30,5 điểm.

Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao - ĐH Hồng Đức có điểm chuẩn lên đến 30,5 điểm.

“Kỹ thuật ra đề cần rút kinh nghiệm, nhưng để tạo ra những biến động trong mùa tuyển sinh năm nay còn do chính sự lộn xộn của tính đa dạng phương thức xét tuyển của các trường. Không chỉ tuyển theo điểm thi tốt nghiệp, các trường còn tuyển theo học bạ, kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, tuyển theo các phương thức riêng gây ra sự hỗn loạn, dẫn đến chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo phương thức dựa vào điểm thi giảm đi đáng kể, điểm tăng vọt”, TS Lê Viết Khuyến nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, những mức điểm chuẩn “khủng” bắt nguồn từ việc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá dễ, không có khả năng phân hóa học sinh khá và giỏi, dẫn đến thang đo điểm chuẩn “co giãn” không còn chuẩn. Đặc biệt ở môn Tiếng Anh, điểm thi quá cao khiến điểm chuẩn các ngành xét theo khối thi có môn này cũng tăng vọt. Bên cạnh đó, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét điểm học bạ, xét kết hợp… dẫn đến giảm chỉ tiêu dành cho xét theo điểm thi.

“Nguyên tắc của tuyển sinh là nước lên thì thuyền lên, lọt sàng xuống nia, nhưng trường nào điểm cũng cao, sàng nhưng lại không lọc được, đây là lỗi của khâu ra đề thi, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT”, TS Hoàng Ngọc Vinh thẳng thắn chỉ rõ.

Còn theo thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng Tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm 1 vốn không “chuẩn” bởi tính chất hoàn toàn khác nhau. Đề thi để xét tốt nghiệp dễ, phù hợp để xét tốt nghiệp nhưng các trường lại khó chọn được thí sinh phù hợp, nếu đề thi quá khó, điểm thấp lại không đáp ứng được xét tốt nghiệp.

“Đề thi dễ đến mức thí sinh 27, 29 điểm vẫn trượt đại học thì có lẽ là sai lầm của Bộ GD-ĐT. Trong bối cảnh dịch bệnh như năm nay, đáng ra có thể tạm tính đến phương án giao quyền xét tốt nghiệp cho các địa phương, Bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung, nhưng để xét tuyển đại học là chính. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các trường đại học sống được là nhờ vào học phí của sinh viên, nên bằng mọi cách phải cố gắng tuyển. Trong đó, nhiều trường xét dựa vào học bạ, dù tại Việt Nam, kết quả học bạ giữa các tỉnh, thành phố chưa hẳn đồng đều, chưa nói đến những vấn đề bất cập hơn như chạy điểm, xin cho điểm để làm đẹp học bạ. Khi chỉ tiêu cho những phương thức này cao lên, sẽ làm giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp, dẫn đến điểm chuẩn cao hơn.

Đây là những bất cập Bộ GD-ĐT cần giải quyết thấu đáo, không có nền giáo dục nào 3 môn thi tối đa 30 điểm vẫn trượt, lỗi chắc chắn do đề thi ra chưa chuẩn”, thầy Vĩnh nêu ý kiến.

Cần hướng đến thành lập các trung tâm khảo thí quốc gia

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT tính phân hóa thấp, trong khi xét tuyển đại học lại cần sự phân hóa cao hơn. Như vậy sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học đã là không phù hợp giữa mục đích và phương tiện. Các trường đại học đang dựa vào thang đo- điểm thi tốt nghiệp- được cho là chuẩn, nhưng lại không chuẩn dẫn đến tuyển sinh mất chuẩn. Về lâu dài, cần tính đến xây dựng các trung tâm khảo thí chung của cả nước, nâng cao chất lượng đề thi. Nếu trong một vài năm tới vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học thì cần có sự phân hóa rõ ràng.

Thầy Lê Đức Vĩnh kiến nghị nên giao việc xét tốt nghiệp về cho các địa phương, giao công tác tuyển sinh cho các trường đại học tự chủ. Ban đầu khó tránh khỏi một số trường chạy theo số lượng chỉ tiêu, tuyển sinh ồ ạt, nhưng nếu không chắt lọc nguồn tuyển, chất lượng đào tạo kém, trường đại học sẽ tự “khai tử” mình.

Về đề thi, thầy Vĩnh cho rằng, nên thành lập các trung tâm ra đề quốc gia, mời các chuyên gia hàng đầu về khảo thí để xây dựng ngân hàng đề thi, bên cạnh đó cũng chỉ nên có từ 1-2 trung tâm, tránh việc xuất hiện tràn lan các trung tâm khảo thí.

“Tại Mỹ, để tổ chức kỳ thi SAT, phải có đến hàng nghìn chuyên gia làm đề, cả nước cũng chỉ có 1-2 trung tâm, trung tâm này cũng nên do nhà nước thành lập và quản lý, tránh việc giao cho 1-2 trường tự thành lập, tổ chức”, thầy Vĩnh nói.

Để gỡ bài toán mỗi môn 10 điểm vẫn trượt đại học như năm nay, TS Lê Viết Khuyến lại cho rằng, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp và giao về cho các địa phương tự xét, bởi căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn khá nặng. Trong tương lai xa hơn, khi đã hình thành được văn hóa thực chất trong giáo dục, mới có thể xem xét bỏ thi tốt nghiệp. Trước mắt, các trường đại học, đặc biệt là các trường top trên nên sử dụng kết quả kỳ thi này như vòng sơ tuyển, sau đó tiếp tục tổ chức một bài thi đánh giá riêng như vòng chung khảo, tùy vào đặc điểm, yêu cầu từng ngành học. Hiện nay một số trường đã thực hiện phương thức này, nhưng chủ yếu là các khối ngành nghệ thuật, báo chí./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nganh-giao-duc-can-giai-bai-toan-lam-phat-diem-chuan-the-nao-892176.vov