Ngành Giáo dục nên nhân rộng cách làm của Vũng Tàu sẽ có dạy, học, và thi thật
Việc nâng cao thành tích là tốt nhưng cái xấu là thành tích không được ghi nhận một cách trung thực, phải đề cao giá trị trung thực mới có 'học thật thi thật'.
Làm sao để thực hiện được “học thật, thi thật, đánh giá thật” vẫn là một vấn đề nan giải đặt ra cho toàn ngành giáo dục. Cũng giống như căn bệnh ngụy thành tích đã tồn tại suốt hàng chục năm qua, chúng ta “bắt mạch” và biết rằng có bệnh, nhưng lại chưa tìm ra phương thuốc điều trị hiệu quả.
Đây cũng là vấn đề cấp thiết được Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải có giải pháp cụ thể để việc dạy và học đi vào thực chất, nâng cao chất lượng của giáo dục.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học - Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc (UKA Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu giáo dục không đi đúng hướng, học sinh không biết được năng lực thật sự của bản thân, không biết mình có thể làm gì, làm tốt hoặc không làm tốt điều gì thì các em sẽ không có động lực học tập. Và chính điều này dẫn đến một xã hội bằng cấp, ảo tưởng, gian dối.
Thầy Huỳnh Văn Tiết trăn trở: “Căn bệnh ngụy thành tích là vấn đề mà ngành giáo dục hiện nay đang phải đối mặt, nhiều học sinh thậm chí không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn được lên lớp, một điều bất thường nhưng lại được xem là chuyện quá đỗi bình thường.
Chính điều này đã đánh mất niềm tin của xã hội với ngành giáo dục khi sự gian dối đang xảy ra ngay trong các nhà trường. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, đến bao giờ chúng ta mới có học thật, thi thật, nhân tài thật?”
Theo thầy Tiết, ngành giáo dục cũng đã có những nỗ lực để thay đổi thực trạng này nhưng chưa thực hiện một cách triệt để, chưa có được những kết quả như mong đợi.
Nhà trường vẫn còn bị trói buộc bởi rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu thi đua, thành tích. Trong khi đó, giáo viên còn chịu nhiều áp lực từ phía Ban giám hiệu và cả phụ huynh nên tình trạng “lạm phát” điểm vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, phụ huynh vẫn chưa thật sự có cái nhìn đúng về việc học và đặc biệt, với một xã hội còn quá coi trọng bằng cấp thì giá trị của thực học vẫn chưa được phát huy.
Câu chuyện học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay cũng là chủ đề khiến xã hội đang xôn xao, rất nhiều học sinh vẫn được lên lớp một cách khó hiểu trong khi năng lực thực tế không đạt yêu cầu.
Thời gian qua, vụ việc một học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp chưa biết đọc biết viết đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại. Và có lẽ, đó không phải là câu chuyện riêng của một ngôi trường mà là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều cơ sở giáo dục.
“Chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề đó, nhìn vào những hệ lụy nghiêm trọng của căn bệnh thành tích để hướng đến học thật, thi thật.
Cá nhân tôi đã từng chứng kiến một phụ huynh trách mắng và đánh con mình trước cổng trường khi nghe con chia sẻ có một bài kiểm tra điểm kém.
Hẳn rằng nhiều phụ huynh nghĩ câu chuyện này quá bình thường, nhưng không, đây là một sự việc đau lòng của ngành giáo dục, chúng ta đang mong đợi gì ở những đứa trẻ? Điểm số? Bằng cấp?
Thay vì hỏi con có gặp vấn đề khó khăn nào không, có cần hỗ trợ gì không thì nhiều phụ huynh đã luôn đòi hỏi đứa trẻ phải luôn giỏi và có nhiều thành tích. Những sức ép từ phụ huynh, từ chỉ tiêu thành tích của nhà trường cũng là một phần nguyên nhân của thực trạng học tập không thực chất, và những điểm số mà chúng ta nhìn thấy chưa chắc đã là kết quả thực sự. Vậy điểm số đó có ý nghĩa gì?
Tôi cho rằng việc các trường không ngừng nâng cao thành tích là điều tốt, cái xấu ở đây là thành tích không được ghi nhận một cách trung thực, chỉ khi giá trị trung thực được đề cao và thực hiện một cách nghiêm minh thì mới có thể học thật thi thật đánh giá thật”, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết chia sẻ.
Chính vì vậy, quan tâm và chia sẻ đúng cách, đồng hành cùng con, lắng nghe và giúp con những vấn đề khó khăn trong học tập, giúp con tự tin và học tập tốt là chủ đề mà nhiều bậc phụ huynh cần được hỗ trợ.
Nên chăng là có 1 khóa đào tạo “Cách làm phụ huynh” trước khi bố mẹ có con đi học. Nhà trường cũng có vai trò định hướng và giúp phụ huynh nhận thức đúng vấn đề này.
Theo thầy Huỳnh Văn Tiết, để chữa căn bệnh ngụy thành tích không phải là chuyện một sớm một chiều, bởi đây là quá trình lâu dài, liên tục và bền bỉ. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thay đổi một cách mạnh mẽ và đồng bộ thì sẽ có những bước chuyển nhất định.
Song song với việc thay đổi chính sách, quy định, thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi thi cử cần có những thay đổi lớn từ nhận thức của phụ huynh và người học về ý nghĩa đích thực của việc học. Có như vậy thì căn bệnh ngụy thành tích mới được chữa trị tận gốc.
“Ngành giáo dục nên nhìn vào câu chuyện của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu khi thực hiện công khai tỉ lệ học sinh yếu kém đi kèm với các giải pháp giúp đỡ các em cải thiện việc học. Việc làm này đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của xã hội trong thời gian vừa qua.
Mô hình này cần được nhân rộng và triển khai hiệu quả cho toàn ngành vì không phải địa phương nào, trường học nào cũng dám thừa nhận và thể hiện trách nhiệm của mình một cách đúng đắn.
Chính các em học sinh yếu kém ấy mới cần nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của nhà trường và gia đình chứ không phải là các thành tích trống rỗng và thiếu trung thực. Điều này làm rõ thêm tinh thần nhân bản trong giáo dục hiện nay mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đề cập tới”, Thầy Tiết chia sẻ.
Bàn về các vấn đề cấp bách của giáo dục phổ thông, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho rằng, cần giải quyết 3 việc sau:
Thứ nhất là cải thiện thu nhập của giáo viên. Khi giáo viên không còn phải lo đời sống thì chất lượng giáo dục mới thay đổi. Thực trạng hiện nay có rất nhiều giáo viên ngoài việc giảng dạy còn tranh thủ làm thêm nhiều công việc khác như bán hàng online, cò đất, bán bảo hiểm … để kiếm thêm thu nhập.
Thay vì phải tập trung đầu tư chuyên môn, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy thì thầy cô đang phải lao vào bài toán kinh tế. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, chỉ khi đời sống của giáo viên được đảm bảo thì thầy cô mới toàn tâm cho việc dạy, chất lượng giáo dục mới thay đổi.
Thứ hai, cần đổi mới trong công tác đào tạo giáo viên, tăng cường thời lượng thực tập thực tế tại các trường phổ thông cho sinh viên sư phạm.
Hiện nay, hầu hết các sinh viên mới ra trường thường không đáp ứng được yêu cầu công việc tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở các trường có yếu tố giáo dục quốc tế. Họ phải qua rất nhiều khóa đào tạo nội bộ hoặc phải chấp nhận dự khuyết một thời gian để rèn luyện tay nghề mới được đứng lớp.
Một số các lý do mà các sinh viên sư phạm mới ra trường không thể đáp ứng được công việc là thiếu các kỹ năng đứng lớp, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm và kỹ năng đối mặt với áp lực. Tuy nhiên, điều này có thể cải thiện khi sinh viên có thêm nhiều thời gian trải nghiệm thực tế tại nhà trường thay vì chú trọng quá nhiều lý thuyết sách vở.
Thứ ba là cải tiến, thay đổi cách thức kiểm tra, thi cử. Cần giảm bớt các cuộc thi, thi đua phong trào và chữa trị căn bệnh thành tích. Chúng ta không thể để căn bệnh thành tích kéo dài khiến xã hội đánh mất niềm tin ở ngành giáo dục.
Cũng theo thầy Tiết, một trong những giải pháp mang tính chất “đòn bẩy” để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay đó là giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục phổ thông. Nếu các trường được tự chủ hoàn toàn thì nhà trường mới có điều kiện thay đổi, sáng tạo, phát triển và đi cùng với trách nhiệm để nâng cao chất lượng giáo dục.